Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Phải đặt quyền lợi của thí sinh lên cao nhất
Ngày 11.5, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Hội đồng thi THPT quốc gia các tỉnh, thành tập huấn kỹ càng, đầy đủ cho các lực lượng tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018 về nội dung tất cả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 mà bộ đã ban hành; cần hết sức tránh chủ quan, xem nhẹ bất kỳ một khâu nào trong quá trình chuẩn bị kỳ thi, sao in vận chuyển bảo quản đề thi…
Bộ cũng yêu cầu tập huấn đầy đủ quy chế thi đến tất cả các thành viên kỳ thi, nhất là cán bộ coi thi; không vi phạm quy chế thi; bình tĩnh xử lý các tình huống, sự cố xảy ra trong quá trình thi - nhất là tổ chức coi thi. Các lực lượng tham gia thi phải phối hợp chặt chẽ đúng quy định, không làm thay nhiệm vụ của nhau; phải đặt quyền lợi của thí sinh lên cao nhất.
Về thanh tra thi, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết năm nay lực lượng thanh tra thi được tăng cường về số lượng. Ngoài thanh tra chuyên trách của các sở GD-ĐT, còn có sự tham gia của các cán bộ thanh tra không chuyên trách, các cộng tác viên thanh tra (cán bộ, giảng viên, giáo viên giàu kinh nghiệm). Lực lượng thanh tra không chỉ có bộ phận cắm chốt tại các điểm thi, các hội đồng thi, mà còn có cấp tổ thanh tra lưu động.
Tại các điểm thi, các hội đồng thi còn có thêm lực lượng giám sát kỳ thi. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu những người làm nhiệm vụ thanh tra kỳ thi phải phối hợp chặt chẽ với các hội đồng thi, mọi sự cố phát sinh đều phải được kịp thời lập biên bản xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, kể cả khi kỳ thi đã kết thúc cũng phải có báo cáo kết luận của thanh tra thi về kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 toàn quốc có 925.850 thí sinh đăng ký dự thi, tăng hơn 60.000 em so với năm 2017. Trong đó, có 688.473 thí sinh đăng ký thi THPT để xét tuyển vào ĐH-CĐ (75%); 37% thí sinh đăng ký thi tổ hợp môn Khoa học Xã hội; 48% thí sinh đăng ký thi tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên…
Theo LÂM NGUYÊN (SGGP)