Chuyện cô gái Bana chọn “sống khác”
Ðinh Thị Lanh (sinh viên năm 2 lớp K42 Cao đẳng Lâm sinh, Trường CÐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ) vừa đạt giải nhất nghề Lâm sinh tại Hội thi tay nghề Bộ NN&PTNT năm 2018. Cô là một trong số ít sinh viên người dân tộc thiểu số đạt giải cao tại Hội thi, được Bộ NN&PTNT khen thưởng.
Sinh viên Đinh Thị Lanh (thứ hai từ phải sang) cùng với lãnh đạo nhà trường, các giảng viên và các thí sinh khác tại Lễ bế mạc Hội thi tay nghề cấp Bộ năm 2018.
Đinh Thị Lanh (27 tuổi) sinh ra và lớn lên ở thôn 3, xã An Toàn, huyện An Lão. Cô học nghề khi đã 25 tuổi, sau nhiều năm dừng việc học, chỉ quanh quẩn với nương rẫy quê nhà. Năm 2009, học hết cấp 3, Đinh Thị Lanh quyết định dừng việc học bởi ý nghĩ: nên ở nhà phụ giúp gia đình. Có trình độ khá so với số đông phụ nữ trong thôn, Lanh được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 3. 5 năm liền, cô gắn bó với vị trí ấy. Cho đến khi, một người bạn ở xa về, đặt câu hỏi: Chẳng lẽ sẽ chỉ như thế này thôi sao, Lanh?
Tìm hướng đi riêng
Câu hỏi đó làm Lanh thật sự suy nghĩ. “Đúng là không nên mãi như thế này được. Cứ lầm lũi với công việc nhà, việc nương rẫy rồi lấy chồng, sinh con, quanh quẩn ở trong làng, trong xã, cuộc đời mình sao chật hẹp và buồn quá. Hay mình xin bố đi học lại?”, Lanh hồi tưởng.
Được bố đồng ý, Lanh đăng ký đi học ngành Công an nhưng không đủ điều kiện. Năm 2015, cô đăng ký học ngành Luật từ xa của một trường đại học. Nhưng chỉ được 1 năm thì phải nghỉ vì thời điểm đó, em trai út cũng đang đi học và bố cô không thể nuôi cả hai đi học cùng lúc. Đến năm 2016, Lanh được nhiều người gợi ý đi học ngành Lâm sinh. Lanh lại xin phép bố lên đường để học một nghề gì đó cho đến nơi đến chốn. Ở tuổi 25, khi rất nhiều cô gái trong thôn đã lập gia đình, con bồng con bế, Lanh vẫn quyết đi học xa. Thời điểm đó, cô thủ thỉ với bố rằng: cứ cho con đi học ổn định đã, chuyện chồng con cứ tùy vào duyên số.
Lanh nhập học tại Trường CĐ Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ vào năm 2016. Lớp K42 Cao đẳng Lâm sinh ngày đó có 3 nữ sinh viên. Được một thời gian, 2 bạn nghỉ học, về quê lập gia đình. Riêng Lanh vẫn kiên định với sự lựa chọn của mình.
Càng học, càng trải nghiệm, cô càng tin, mình đã quyết định đúng khi vượt ra khỏi xã vùng cao quê nhà cách trở, quay lại trường học. Cô bảo: “Tôi từng là một người lầm lũi, ít nói, ấp úng, sợ nói sai. Sau 2 năm, được học tập trong môi trường nhiều thử thách, lại có cơ hội đi thực tế, đi thi ngoài tỉnh, gặp gỡ nhiều người, tôi thấy mình tự tin, giao tiếp tốt. Quan trọng hơn, tôi không còn vì sợ sai, sợ thiếu sót mà không dám bắt tay làm một việc gì đó hoặc bày tỏ một suy nghĩ nào đó”.
Đinh Thị Lanh thực hành kỹ thuật giâm hom cây keo lai tại vườn ươm của trường.
Góp sức cho quê nhà
Được chọn vào đội tuyển thi nghề Lâm sinh cấp trường dự Hội thi tay nghề Bộ NN&PTNT năm 2018, Lanh có 5 tháng rèn luyện vất vả trước khi chính thức thi đấu. Giảng viên hướng dẫn đội tuyển nghề Lâm sinh Nguyễn Thị Thịnh kể: “Nội dung thi của nghề Lâm sinh năm 2018 gồm 2 kỹ thuật đóng bầu và cấy cây vào bầu. Nghe qua thì thấy đơn giản nhưng để đảm bảo nhanh, đều, đúng yêu cầu kỹ thuật của đề lại rất khó. Lanh và một bạn khác trong cùng đội tuyển phải rèn luyện ngoài trời liên tục. Cô trò hầu như không có ngày thứ Bảy, Chủ nhật đúng nghĩa. Ngoài tự luyện dưới sự hướng dẫn của cô, sự góp ý của khoa, trường, 2 em còn phải đến các vườn ươm để học hỏi từ những người làm vườn nhiều kinh nghiệm”.
Nỗ lực, cố gắng ấy đã đem lại kết quả tốt khi cả hai sinh viên đều đạt giải nhất. Thông tin này còn là niềm vui, tự hào lớn với gia đình Lanh và cả xã vùng cao An Toàn.
Lanh từng chia sẻ với gia đình và họ hàng rằng: lâm sinh có lẽ là nghề phù hợp nhất với một người sinh ra và lớn lên ở núi rừng như cô. Ngay cả lúc nghề vất vả đến mức nhiều bạn nam trong lớp cũng phải than vãn thì Lanh vẫn thấy: mình chịu được. Giọt mồ hôi, sự rệu rã, mệt mỏi giữa những cánh rừng, vườn ươm chỉ làm dâng lên trong cô một cảm giác quen thuộc, gần gũi của những ngày theo bố, theo mẹ lên rẫy. Càng ngày Lanh càng quý nghề mình được học cũng bởi vậy.
Khao khát đi xa để bản thân trưởng thành, thu thập được nhiều điều mới lạ nhưng trong thẳm sâu lòng mình, cô sinh viên tin chắc mình sẽ trở về quê khi tốt nghiệp. Lanh bộc bạch: “Ở An Toàn, ngoài lúa nước, bà con được cán bộ hướng dẫn kỹ càng; tất cả các cây trồng còn lại đều canh tác theo thói quen. Các kỹ thuật như giâm, chiết, ghép... bà con chưa biết hoặc nếu biết cũng không thành thạo. Vậy nên, trở về quê, tôi sẽ giúp được nhiều người hơn”.
Và, thông tin Đinh Thị Lanh vừa được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Toàn vào tháng 2.2018 mà cô chia sẻ vào cuối cuộc gặp gỡ, càng làm tôi tin về một ngày những kiến thức, kỹ thuật mà cô học được sẽ góp phần đưa vùng đất khó đổi thay.
NGUYỄN MUỘI