Ðưa trò chơi dân gian vào trường học: Cần được quan tâm hơn
Khác với trò chơi điện tử, trò chơi hiện đại, trò chơi dân gian mang nét dung dị, mộc mạc nhưng đặc sắc, rèn luyện được tinh thần và thể chất cho người chơi. Nhận biết được điều đó, các trường học trên địa bàn tỉnh đang dần đưa trò chơi dân gian vào sân trường, đến với học sinh.
Học sinh Trường THPT Quy Nhơn tham gia TCDG tại hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức.
Trò chơi dân gian (TCDG) do người thời trước sáng tạo, định hình, tùy theo phong tục tập quán vùng miền mà mỗi nơi có những trò chơi khác nhau. Tuy nhiên dù ở đâu thì TCDG cũng phong phú, đa dạng, và có thể chia thành 4 nhóm: Vận động, học tập, sáng tạo và mô phỏng.
Đem TCDG vào trường học mang nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần rèn luyện sức khỏe, kỹ năng xử lý tình huống, hoạt động nhóm. Những trò như bịt mắt bắt dê, u quạ, kéo co... giúp học sinh rèn luyện thể chất, tinh thần đoàn kết. Nhóm các trò chơi ít vận động hơn như chơi ô ăn quan, banh đũa, chơi cờ... giúp các em rèn luyện sự khéo léo, khả năng tư duy phán đoán.
Theo thầy Trần Quang Tuấn, giáo viên Trường THPT Quy Nhơn: “Các TCDG thường được nhà trường lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa, các ngày lễ, ngày thành lập trường, các chương trình rèn luyện kỹ năng sống. Điều này nhằm giúp học sinh ôn lại những hoạt động, trò chơi truyền thống của ông bà ta xưa, kích thích tinh thần học tập, đoàn kết cho các em. Để các em tiếp cận, ham thích và hiểu cách chơi thì giáo viên luôn tìm hiểu cách chơi để hướng dẫn, thị phạm cho học sinh”.
Thực tế cho thấy, tổ chức TCDG ít tốn kém mà lại nhiều lợi ích. Hiện tại, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh thường tổ chức các TCDG như ngậm nước đổ chai, đi xe đạp chậm, nhảy bao bố, đập ấm... vào ngày lễ, ngày hội, các buổi sinh hoạt ngoại khóa... Tuy nhiên, TCDG vẫn chưa được nhiều trường đưa vào môi trường sư phạm như trò chơi thường nhật, thời lượng còn thấp.
Để TCDG đi vào trường học một cách hiệu quả, giáo viên phải là đầu tàu, tâm huyết với các hoạt động này. “Tôi thường tự hỏi tại sao những trò chơi ngày trước tôi hay chơi giờ lại vắng bóng nơi sân trường, mà các em lại hay rượt đuổi hoặc chơi game. Do đó, tôi tìm cách đem TCDG như ô ăn quan, banh đũa, cờ bí, cờ chém gánh, chơi keo... cho các em học sinh. Ban đầu các em còn e dè, nhưng khi thấy tôi tham gia hướng dẫn, chơi cùng, các em đã mạnh dạn hơn. Dần dà, TCDG góp phần là niềm vui, động lực để các em đến trường” - thầy Giả Tấn Trọng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn, người thầy tâm huyết với TCDG, chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, góp ý: “Đưa TCDG vào trường học là một việc làm cần thiết và hết sức ý nghĩa bởi đây là nét văn hóa truyền thống mà các thế hệ trước đã sáng tạo, chơi, và định hình cho đến hôm nay. Tôi nghĩ các trường nên mời nghệ nhân, những người lớn tuổi biết nhiều trò chơi hướng dẫn cho học sinh vào các buổi ngoại khóa để TCDG ngày càng nhân rộng hơn. Từ đó, các em có thể chơi ở giờ ra chơi, chơi ở nhà. Tuy nhiên cần lưu ý tránh những trò chơi nguy hiểm không phù hợp với không gian sân trường như đánh trổng, đánh đáo...”.
“Trò chơi dân gian không đơn thuần là trò chơi của trẻ nhỏ mà nó còn chứa đựng cả một nền văn hóa dân tộc Việt Nam độc đáo và giàu bản sắc. Trò chơi dân gian không chỉ nâng cánh cho tâm hồn, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo mà còn giúp các em hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương đất nước”.
PGS, TS NGUYỄN VĂN HUY, nhà nghiên cứu dân tộc học Việt Nam
THẢO KHUY