Chuyện ghi ở An Nghĩa
An Nghĩa là một xã vùng sâu, vùng xa ở huyện An Lão.Toàn bộ người dân là đồng bào 2 dân tộc Bana và H’re, nhưng đã 8 năm qua, không có trường hợp nào trong xã sinh con thứ 3 trở lên. Cùng với bản sắc văn hóa truyền thống, người dân An Nghĩa còn xây dựng được nền nếp văn hóa cộng đồng đáng tự hào. Những điều này khiến tôi vượt đường xa lên đây.
Phải mất hơn một giờ đồng hồ vượt đường đèo núi quanh co từ trung tâm huyện mới đến được xã vùng sâu An Nghĩa. Đây là xã đặc biệt khó khăn, có 5 thôn, lọt thỏm trong những thung lũng nhỏ, bao bọc bởi những dãy núi cao trùng điệp. Mùa mưa, An Nghĩa thường xuyên bị chia cắt do mưa lũ và sạt lở đất. Khó khăn vậy nhưng người dân An Nghĩa là những người chấp hành rất tốt những chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trẻ em xã vùng cao An Nghĩa. Ảnh: PHẠM KHA
Chị Đinh Thị Lái chỉ làm nhân viên y tế xã mới vài năm, nhưng đã thuộc làu từng cặp gia đình sử dụng biện pháp tránh thai gì. An Nghĩa có 705 người thì có 55 người trong độ tuổi sinh đẻ có sử dụng biện pháp tránh thai thường xuyên. “Có 34 người sử dụng thuốc thường xuyên, 5 người sử dụng bao cao su, 1 người đặt vòng, 15 người tiêm thuốc” - Lái nói vanh vách không cần sổ sách.
Chị Đinh Thị Điệu năm nay 28 tuổi, đã có 2 con nhỏ. Căn nhà vợ chồng chị vừa xây được hơn một năm trước, chi phí hơn 100 triệu đồng. Cũng như tất cả phụ nữ khác trong xã, khi nghe tôi hỏi, chị Điệu mỉm cười: “Nhà nước có cho, mình cũng không đẻ thêm. 2 con là được rồi. Con được đi học, chồng đi làm, vợ chồng làm được nhà ở là vui rồi!”.
“Khoảng chục năm trước, việc tuyên truyền các biện pháp tránh thai rất khó khăn. Nhưng mưa dầm thấm sâu, bà con hiểu dần ra và thấy chủ trương đẻ 2 con là phù hợp, đảm bảo cho gia đình sung túc, người lớn có thời gian làm việc, phát triển kinh tế; trẻ nhỏ thì đi học” - anh Đinh Văn Nhút, Phó trưởng trạm Y tế xã An Nghĩa kể.
An Nghĩa là vùng quê yên bình đến lạ, cửa nẻo nhà ai cũng không phải khóa. Thanh niên, trai tráng gần như không có thói quen ăn nhậu. Không chỉ Đinh Thị Lái - nhân viên y tế xã, mà cả chị Đinh Thị Điệu - chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ cũng xác nhận điều này. Khi làm việc, ông Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Liên khẳng định: “Ở đây bà con không nhậu, chỉ có ngày lễ hay giỗ chạp gì đó mới uống một ít rượu bia! Hầu hết đều đi làm ban ngày và nghỉ ngơi khi tối về”.
An Nghĩa có 4 điểm trường mẫu giáo và tiểu học, tất thảy có 54 học sinh. Những học sinh lên được THCS phải đi 20 - 30 km xuống xã An Quang học ở Trường THCS bán trú Đinh Ruối. Tên là trường bán trú, nhưng phần nhiều học sinh ở nội trú tại trường. Có em, vì nhớ nhà mà trốn trường về. Nhưng trên con đường độc đạo, hễ người lớn bắt gặp thì ai cũng tự biết trách nhiệm của mình khuyên giải các cháu trở lại trường, cuối tuần mới về nhà. Nhờ sự tự giác này, học sinh có trốn ra khỏi trường thì cũng mau chóng quay lại.
Ông Đinh Văn Liên nói: “Chủ trương sinh 2 con để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế được cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể lồng ghép vào tất cả các chương trình sinh hoạt cộng đồng. Kết quả là 8 năm nay, không có trường hợp nào sinh con thứ 3. Hơn thế, An Nghĩa cũng là địa phương sạch về tội phạm, đời sống văn hóa của người dân được gìn giữ và nâng cao”.
PHẠM KHA