Múa Bình Định: Nỗ lực khẳng định mình
Múa là chi hội ra đời muộn nhất trong số các chuyên ngành ở Hội VHNT Bình Định - tháng 1.2013. Hiện Chi hội Nghệ sĩ Múa Bình Định có 16 hội viên, trong đó có 5 hội viên Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Theo Chi hội trưởng Hoàng Việt, từ khi múa có được một tổ chức nghề nghiệp để quy tụ, sinh hoạt, trao đổi chuyên môn… như những lĩnh vực nghệ thuật khác, hoạt động có phần khởi sắc hơn. Tuy nhiên, với điều kiện kinh phí quá hạn hẹp (khoảng 7 triệu đồng/năm), chỉ có thể ưu tiên trang trải cho các việc cần thiết trong năm như sơ - tổng kết, tổ chức báo cáo tác phẩm mới, hỗ trợ hội viên khi đưa tác phẩm đi dự liên hoan, thi múa ở xa…
Thành tích nổi bật mới nhất của múa Bình Định ở sân chơi toàn quốc - giải B cho tác phẩm “Cháo hành” của diễn viên, biên đạo múa trẻ Kim Tiển tại Cuộc thi sáng tác múa hài Việt Nam lần thứ I - 2018.
Không có đoàn chuyên nghiệp, “sinh sau đẻ muộn” về mặt tổ chức, các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn hầu như không có, song từ nhiều năm qua, lĩnh vực múa không chỉ đóng góp đắc lực cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong tỉnh mà còn đạt thành tích cao khi “ra biển lớn”. Đây là kết quả của lòng yêu nghề, sự cầu thị và nỗ lực khẳng định mình của những người hoạt động sáng tác, biểu diễn múa.
Thiếu “sân chơi” trong tỉnh, một số biên đạo đã tìm đến cấp khu vực hoặc toàn quốc. Thành tích mới nhất của múa Bình Định ở quy mô quốc gia là 2 giải B thuộc về tác phẩm “Sống ảo” của biên đạo Thu Hương và tác phẩm “Cháo hành” của biên đạo Kim Tiển (đều là hội viên Trung ương, ở TP Quy Nhơn) tại Cuộc thi sáng tác múa hài Việt Nam lần thứ I - 2018 (do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam phối hợp Sở VH&TT Đà Nẵng tổ chức).
Việc chủ động tìm đến những sân chơi lớn và thành tích mang về như vừa phản ánh có lẽ đã phần nào cho thấy ý thức cầu thị, nỗ lực khẳng định mình của một bộ phận nghệ sĩ hoạt động sáng tác, biểu diễn múa trong tỉnh.
Theo biên đạo múa Kim Tiển, với thực tiễn làm nghề chủ yếu phục vụ cho văn nghệ quần chúng, ít có cơ hội để sáng tạo, biểu diễn những tác phẩm múa mang tính chuyên nghiệp; nếu không ý thức, nghệ sĩ múa sẽ bị hạn chế trong phát triển chuyên môn. “Các cuộc thi, liên hoan múa mang tính chuyên nghiệp đa phần do hội chuyên ngành Trung ương tổ chức chính là dịp tốt để cọ xát, học hỏi. Qua các liên hoan, cuộc thi múa mang tính chuyên môn cao, tôi học hỏi được rất nhiều”, biên đạo Kim Tiển chia sẻ.
Ðề tài về Chí Phèo - Thị Nở, lịch sử làng múa Việt Nam từng có tác phẩm “Khoảnh khắc đêm hè” rất thành công của tác giả Nguyễn Bá Thái, sau đó không thấy tác phẩm nào về đề tài trên. Khi tham gia trại sáng tác để phục vụ cho cuộc thi sau đó, biên đạo Kim Tiển được một số nghệ sĩ múa trong nước khuyên chân tình là nên thay bằng một kịch bản khác, vì xác suất thành công rất thấp. Kim Tiển cho biết bản thân có biết về tác phẩm “Khoảnh khắc đêm hè”, cám ơn góp ý của mọi người, đồng thời khẳng định muốn thử sức, không thay đổi kịch bản, sau đó trình bày khá cụ thể về hướng dàn dựng của mình và được mọi người đánh giá cao. Trong bài phát biểu tổng kết về cuộc thi tại đêm công diễn và trao giải, NSND Ứng Duy Thịnh đã nhắc đến tác phẩm “Cháo hành” của biên đạo Kim Tiển như là một sáng tạo dũng cảm của một biên đạo trẻ và là tác phẩm mang tính đột phá.
SAO LY