Tăng cường vai trò hạt nhân của chi, đảng bộ cơ sở
Tổ chức cơ sở đảng là hạt nhân lãnh đạo chính trị của đơn vị, có ý nghĩa quyết định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mỗi chi, đảng bộ và vai trò tiền phong của mỗi đảng viên trong quá trình thực thi nhiệm vụ ở cơ sở.
Quá trình lãnh đạo chính trị ở mỗi cơ quan, đơn vị đòi hỏi vai trò lãnh đạo của Đảng phải được thể hiện rõ trong mọi hoạt động, ở tất cả các khâu, các bước, các mối quan hệ công tác. Do đó, trước hết, các cấp ủy đảng phải thường xuyên tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên; xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất cao để thực thi nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp và cán bộ, đảng viên là phải đề cao ý thức trách nhiệm xây dựng Đảng, tham gia bàn bạc, thảo luận và kiến nghị đề xuất các biện pháp nâng cao chất lượng công tác; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở mỗi đảng viên.
Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức học tập chuyên đề “Giáo dục đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới” cho cấp ủy viên toàn Đảng bộ. Ảnh: N.Q
Các chi, đảng bộ cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao năng lực quán triệt và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định, quyết định của Đảng, trên cơ sở xác định các giải pháp khả thi nhất để lãnh đạo; đồng thời kiểm tra, giám sát các hoạt động của cán bộ, đảng viên để kiểm chứng và khẳng định cái đúng, mặt tốt từ đó phát huy và nhân rộng.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu; công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên; chất lượng sinh hoạt Đảng chưa cao và tinh thần tự phê bình và phê bình còn yếu”. Để khắc phục tình trạng trên, các cấp ủy của tổ chức cơ sở đảng, mà trực tiếp là đồng chí bí thư phải nắm vững nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nhiệm vụ chính trị của đơn vị, chuẩn bị kỹ dự thảo nghị quyết của kỳ họp chi, đảng bộ, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đi sâu giải quyết khâu yếu, mặt yếu, những vấn đề mới phát sinh. Dự thảo nghị quyết phải ngắn gọn, cụ thể, dễ nhớ, bảo đảm tính khả thi.
Để thực hiện tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức đảng, một vấn đề rất quan trọng là đi sâu kiểm tra, đánh giá việc chấp hành nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, nghị quyết của tổ chức đảng, về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, gắn với kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong từng chi, đảng bộ cơ sở để phát hiện sớm các dấu hiệu sai phạm từ khi mới bắt đầu manh nha, nhằm kịp thời chỉ đạo ngăn chặn. Đồng thời, gắn với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và người đứng đầu lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể hàng năm để xem xét, rà soát tư cách của cán bộ, đảng viên đúng mức. Có vậy mới góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh ngay từ đầu ở từng đơn vị.
Vấn đề cốt lõi của hạt nhân lãnh đạo đối với tổ chức cơ sở đảng là cấp ủy đảng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh; có năng lực lãnh đạo, quản lý và chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là đội ngũ chủ trì. Khắc phục triệt để những biểu hiện của tư tưởng trung bình, chủ nghĩa thực dụng, cơ hội, ngại khó, ngại khổ, làm việc cầm chừng. Nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần “mình vì mọi người”, đặt lợi ích chung lên trên hết. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định tốt nhiệm vụ, tự điều chỉnh hành vi, gắn mình với tổ chức, nhất là trước những khó khăn, phức tạp, sự cám dỗ của cuộc sống trong cơ chế thị trường; không so đo, tính toán thiệt hơn; phải chấp hành nghiêm sự phân công, điều động công tác của tổ chức với sự nỗ lực và quyết tâm chính trị cao, nhằm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
NGUYỄN BÁ TRÀ