Sử dụng “phạt” phù hợp để kết nối thầy trò
Bên cạnh việc xử lý hành vi không phù hợp của học sinh, thì quan trọng hơn, giáo viên cần chủ động nhìn lại sự kết nối trong mối quan hệ giữa mình với học sinh. Đó là chia sẻ của cô Đinh Thị Trinh, Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Chuyên viên tư vấn Tâm lý học Trường Olympia.
- Gần đây, một số sự việc đáng tiếc xảy ra xuất phát từ việc giáo viên sử dụng hình phạt phản sư phạm với học sinh. Cô nhận diện về điều này như thế nào?
Trong thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đã đưa tin rất nhiều về những vụ việc như “cô giáo bắt học sinh uống nước từ giẻ lau bảng” hay “cô giáo phạt học sinh quỳ gối”.
Xét trong mối quan hệ giữa người với người, những hành vi như vậy đều có thể gây ra những tác động tiêu cực tới người trong cuộc và những phản ứng từ người quan sát.
Xét trong môi trường sư phạm, những hành vi như vậy đều có thể được coi là những hành vi không phù hợp và vi phạm đến quyền lợi của học sinh.
Tuy nhiên, chúng ta không thể vội vàng đưa ra kết luận hay buộc tội giáo viên khi chỉ dựa vào những thông tin ngay trước mắt mà bỏ qua những thông tin ẩn phía sau.
Chúng ta không ở trong hoàn cảnh đó để thực sự nhìn thấy những điều đã xảy ra ở phía trước hay những diễn biến ở phía sau của các sự kiện này.
Trong tình huống này, câu hỏi đặt ra là: Liệu họ đã thực sự được hỗ trợ khi gặp khó khăn trong việc xử lý tình huống? Liệu cách làm của giáo viên có thực sự là con người họ hay chỉ là vì họ đang không biết làm cách nào khác? Và, liệu đã có những hướng dẫn hay quy định ứng xử sư phạm quy chuẩn dành cho giáo viên hay chưa?
- Theo cô, việc đưa ra nội quy, hình thức thưởng phạt rõ ràng trong nhà trường có là cần thiết? Trong đó chế tài “phạt” (nếu cần thiết phải sử dụng) sẽ nên như thế nào?
Thực tế là mỗi một cộng đồng, mỗi một xã hội đều có những nguyên tắc và chuẩn mực chung mà từng cá nhân sống trong cộng đồng hay xã hội ấy đều được mong đợi là thực hiện theo.
Các tổ chức, để đảm bảo cho việc vận hành, cũng cần có những quy tắc, nội quy riêng phù hợp với sứ mệnh, văn hóa của tổ chức đó. Trường học cũng không là ngoại lệ.
Những nội quy trong trường học giúp cho học sinh hiểu được đâu là hành vi phù hợp, đâu là hành vi không phù hợp và đâu là giới hạn không được vượt qua.
Học sinh có quyền được biết và thảo luận về những hành vi phù hợp, hành vi không phù hợp và những hệ quả đi kèm khi có hành vi không phù hợp.
Tùy từng tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà có các hệ quả ở mức độ tương ứng. Ví dụ: Thiếu bài tập một lần sẽ có hệ quả khác với thiếu bài tập nhiều lần; hành vi đánh bạn thì cách xử lý, hệ quả áp dụng cũng sẽ khác với sai quy định trang phục.
“Phạt” là một dạng hệ quả cho hành vi không phù hợp. Bản chất của “phạt” cũng là để chấm dứt hành vi đó và để chúng không lặp lại trong tương lai. Như vậy, bản thân “phạt” không có sai - đúng, tốt - xấu mà cách chúng ta đưa ra các hình thức “phạt” và cách thực hiện nó mới là điều đáng bàn.
- Thực tế có những giáo viên bất lực với học sinh của mình. Theo cô nên làm thế nào trong tình huống này?
Khi trẻ “ngoan” thì mọi chuyện đều ổn, nhưng khi trẻ “hư” thì người lớn bắt đầu lo lắng và dùng nhiều cách khác nhau để điều chỉnh, thay đổi hành vi không mong đợi của trẻ, thậm chí một số người đã cố gắng dùng các “biện pháp mạnh”. Nhưng như đã nói ở trên thì không có trẻ em xấu hay trẻ em hư mà chỉ có hành vi là tốt hay xấu mà thôi.
Khi một học sinh có những hành vi không phù hợp mang tính xúc phạm giáo viên thì vấn đề cốt lõi mà chúng ta cần xem xét vẫn là mối quan hệ giáo viên - học sinh.
Rất có thể, trong tình huống này thì giữa giáo viên và học sinh đã không có được sự tôn trọng lẫn nhau, không có hợp tác và khích lệ lẫn nhau.
Như vậy, bên cạnh việc xử lý hành vi không phù hợp của học sinh thì quan trọng hơn, giáo viên cần chủ động nhìn lại sự kết nối trong mối quan hệ giữa mình với học sinh.
- Xin cảm ơn cô!
Theo Hiếu Nguyễn (GD&TĐ)