Tuyển sinh đại học năm 2018: Bỏ điểm sàn, có buông chất lượng?
Năm 2018, Bộ GD-ĐT quyết định trao quyền xác định điểm sàn cho tất cả các trường, trừ những trường đào tạo giáo viên. Quyết định này khiến dư luận lo lắng viễn cảnh không kiểm soát được chất lượng đầu vào; nhiều ngành khó tuyển và nhiều trường tốp dưới sẽ tuyển theo kiểu “giã cào”…
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM trong giờ học thực hành
Bỏ điểm sàn là hợp lý
Giai đoạn 2002-2014, Bộ GD-ĐT tổ chức công tác thi tuyển sinh đại học (ĐH) bằng hình thức “3 chung” (chung đợt - chung đề - chung kết quả). Trong 2 năm đầu, do bộ không quy định điểm sàn nên nhiều trường hợp thí sinh chỉ đạt 10 điểm/3 môn thi vẫn đậu ĐH. Một số trường ngoài công lập “vơ vét” thí sinh với mức điểm còn thấp hơn. Tuy nhiên, đến năm 2004, bộ chính thức áp dụng điểm sàn (ở mức 13 - 15 điểm, tùy từng khối thi) và có khoảng 70% - 80% thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng (NV) 1; còn lại là xét tuyển NV bổ sung. Lúc này, điểm sàn được xem như là mức tối thiểu để thí sinh có thể học ĐH. Đến năm 2015, kỳ thi “3 chung” được bộ đổi thành “2 chung” mang tên thi THPT quốc gia, với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả xét tuyển ĐH, cao đẳng (CĐ). Kể từ đó đến năm 2017, bộ vẫn giữ điểm sàn dùng cho các tổ hợp là từ 15 điểm trở lên. Mức điểm này bằng với mức điểm tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12. Lúc này, tốt nghiệp THPT đã là “điểm sàn” cho việc xét tuyển ĐH, CĐ.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc mang kết quả của kỳ thi “3 chung” và “2 chung” để so sánh hay đánh giá là hoàn toàn khập khiễng. Kỳ thi “3 chung” là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ nên đề thi ở cấp độ khác so với đề thi của kỳ thi THPT quốc gia khi có tính tổng hợp, khoảng 40% kiến thức nâng cao dành cho học sinh khá, giỏi. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, với kỳ thi “2 chung”, điểm sàn không còn nhiều ý nghĩa. Hơn nữa, trước đó Bộ GD-ĐT cũng chính thức cho các trường áp dụng xét tuyển ĐH bằng điểm học bạ THPT, với điểm trung bình (3 năm lớp 10, 11 và 12) mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 6 điểm trở lên. Do vậy, việc Bộ GD-ĐT quyết định bỏ điểm sàn trong năm 2018 được coi là hợp lý.
Và một điểm đáng nói nữa là quyết định “buông” điểm sàn của bộ để các trường tự quyết cũng phù hợp với Luật Giáo dục ĐH. Theo quy định trong luật này, các trường được tự chủ trong tuyển sinh, có thể lựa chọn các hình thức như thi tuyển, xét tuyển và kết hợp vừa thi tuyển và xét tuyển. Điều này được thể hiện qua việc hiện nay đã có hơn 100 trường áp dụng xét tuyển ĐH bằng điểm học bạ THPT. Những trường tốp đầu cũng bắt đầu tuyển thẳng thí sinh ở các trường TPHT chuyên và năng khiếu trên cả nước.
Tránh mất cân đối nguồn nhân lực
Đứng trước băn khoăn của dư luận về việc có một số trường thông báo điểm nhận hồ sơ xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 trong khoảng 10 - 13,5 điểm, Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) liên tục chỉ đạo các trường tránh xác định điểm sàn quá thấp. Được biết, những chỉ đạo này không bằng văn bản chính thức mà bằng… tin nhắn. Như vậy có thể thấy, mặc dù quyết định bỏ điểm sàn nhưng có vẻ như Bộ GD-ĐT vẫn lúng túng trước phản ứng của dư luận và thể hiện sự thiếu tự tin trước những công cụ để quản lý.
Trao đổi về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), thắc mắc: “Nếu hiểu tự chủ trong mọi hoạt động tuyển sinh thì vai trò của quản lý nhà nước về đảm bảo nhân lực ĐH có chất lượng, đảm bảo cân đối cơ cấu trình độ ở các ngành và trách nhiệm giải trình về hiệu quả (giảm số thất nghiệp sau khi tốt nghiệp), đảm bảo sự phát triển hài hòa hệ thống giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp ở đâu? Nếu phó mặc cho các trường thì nên giải tán một số cục, vụ tham gia xây dựng chính sách tuyển sinh. Với vai trò và chức năng quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT cần cung cấp thông tin mang tính dự báo định hướng nhu cầu nhân lực. Quan trọng hơn, bộ cần điều tiết quy mô thông qua công cụ được luật cho phép bằng cách định ra các tiêu chuẩn. Chẳng hạn, ngành nào hoặc khu vực nào có nguy cơ dư thừa nhân lực trong 4 - 5 năm tới thì giảm ngay tỷ lệ sinh viên/giảng viên, hoặc cho phép các trường tăng học phí, để điều tiết đầu vào ĐH. Đặc biệt, khi trao tự chủ cho các trường trong tuyển sinh thì Bộ GD-ĐT phải tăng cường trách nhiệm quản lý của mình thông qua các chính sách điều tiết. Việc thanh tra và kiểm tra phải đẩy mạnh, công khai và minh bạch chứ không làm theo kiểu giơ cao đánh khẽ như bấy lâu nay”.
Nguyên phó hiệu trưởng một trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM khẳng định: Không một trường chất lượng nào mà bất chấp học lực, lấy thí sinh vài điểm hoặc 10 điểm/tổ hợp để đào tạo. Thực tế tuyển sinh nhiều năm qua cho thấy, dù cho xét bằng kết quả THPT nhưng có nhiều ngành, nhiều trường vẫn bị “ế” như thường. Tuy nhiên, vấn đề là Bộ GD-ĐT phải kiểm soát được việc “gian lận” trong tuyển sinh ĐH bằng cách áp dụng triệt để các quy định hiện nay như tỷ lệ sinh viên/giảng viên, cơ sở vật chất… Nếu cho tự chủ mà buông luôn quản lý, không có chính sách điều tiết, thiếu trách nhiệm, thì không chỉ chất lượng đào tạo ĐH không ra gì, mà còn ảnh hưởng đến cả lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Theo THANH HÙNG (SGGP)