BỘ TRƯỞNG BỘ GD&ÐT PHÙNG XUÂN NHẠ:
Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2019
Trong chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vào sáng 14.5 tại huyện Phù Cát, ÐBQH, Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Phùng Xuân Nhạ đã trả lời nhiều câu hỏi của cử tri liên quan đến chương trình phổ thông và sách giáo khoa mới, những bất cập về chế độ phụ cấp giáo dục, chất lượng giáo dục đại học và vấn đề tinh giản biên chế trong toàn ngành.
Dự kiến, năm 2019 sẽ thực hiện đổi mới chương trình bắt đầu từ lớp 1.
Tăng cường nội dung giáo dục địa phương
Xác định việc đổi mới chương trình phổ thông và sách giáo khoa (SGK) là một trong những nhiệm vụ rất căn bản, người đứng đầu ngành GD&ĐT cho biết, chương trình lần này được thực hiện rất kỹ lưỡng, có sự rà soát để kế thừa, khắc phục những bất cập và tiếp thu thành tựu mới của thế giới. Theo đó, học sinh sẽ tiếp cận kiến thức theo mạch nội dung và quan trọng là sau 1 tiết học, các em sẽ được nâng cao kiến thức và năng lực xử lý, giải quyết vấn đề. Ngoài ra, chương trình cũng chú trọng phát triển nhân cách cho học sinh.
“Đây được xem là một cải cách để khắc phục tình trạng học quá tải. Học bây giờ là học để biết, để làm việc, để sáng tạo”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Liên quan đến việc biên soạn và nội dung SGK mới, ông cho biết, mọi việc sẽ được thực hiện trên tinh thần “một chương trình - một số SGK” và Bộ GD&ĐT sẽ tạo điều kiện cho những ai có điều kiện trong quy định được tham gia vào việc viết sách.
“Điểm mới là SGK sẽ có khoảng 20% chuyên đề về giáo dục địa phương. Sách mới sẽ không còn phần bài tập để học sinh làm thẳng vào; vì vậy, có thể được dùng trong nhiều năm. Dự kiến, Bộ sẽ bắt đầu thực hiện việc đổi mới chương trình từ năm 2019. Đến nay, đã thử nghiệm xong các chương trình môn học. Tuần này sẽ tiến hành thẩm tra, thẩm định chương trình rồi ban hành chính thức và viết SGK”, Bộ trưởng Nhạ thông tin.
Đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy
Cho biết Bộ GD&ĐT đã làm việc và kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh bất hợp lý về phụ cấp cho thầy cô giáo giỏi khi chuyển lên làm ở phòng GD&ĐT, đồng thời đề xuất các loại phụ cấp riêng đối với ngành GD&ĐT, tuy nhiên Bộ trưởng Nhạ cũng nêu quan điểm: Tăng lương phải gắn với tăng năng suất lao động, với hiệu quả công việc, lương được trả theo vị trí việc làm và chức danh, chức vụ, chứ không phải cứ làm lâu năm là được nâng lương.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải thích với cử tri rằng, giảm 10% biên chế đối với lĩnh vực giáo dục theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) phải được hiểu là tinh gọn bộ máy để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả chứ không phải tinh gọn một cách cơ học để đảm bảo chỉ tiêu. Ví dụ các trường học ở gần nhau có thể sáp nhập lại thành một cụm trường liên cấp để giảm đội ngũ ban giám hiệu hay tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm nhân viên phục vụ.
“Dù phải thực hiện rất nghiêm túc các quy định về tinh giản biên chế nhưng các địa phương, đơn vị phải duy trì đúng hệ số giáo viên đứng lớp để đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Tôi đã lưu ý các tỉnh không được giảm cơ học”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp đang được cải thiện, nhưng Bộ trưởng Bộ GD&ÐT cũng cho rằng: “Rõ ràng trách nhiệm của ngành là phải thắt chặt về cung. Thực tế vẫn còn những trường đại học chất lượng kém dẫn đến “đầu ra” yếu. Ðể khắc phục, chúng tôi đang đẩy mạnh việc kiểm định chất lượng giáo dục các trường đại học và giám sát điều kiện đảm bảo chất lượng. Sau đó, công khai minh bạch mọi thông tin để người dân và xã hội biết”.
NGỌC TÚ