Hạnh phúc theo niềm vui của trẻ
Mấy năm gần đây, nhiều trường mầm non ở huyện An Lão tích cực làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, xem đây là hoạt động sư phạm thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng các giờ học, tạo thêm niềm vui, hứng thú cho trẻ. Tiêu biểu như các trường Sơn Ca, Họa Mi...
Hội thi - Triển lãm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tự làm bậc mầm non huyện An Lão 2018.
Tùy điều kiện, đặc điểm từng địa phương, mỗi trường mầm non lại sáng tạo các loại đồ dùng, đồ chơi theo cách riêng. Tại Trường Mầm non huyện, hầu hết đồ dùng, đồ chơi của trẻ đều do các cô giáo tự làm. Từ những vật liệu tưởng chừng bỏ đi như: bìa các tông, lon bia, vỏ chai nước ngọt, ống nhựa, lốp xe cũ, các cô giáo làm sạch và tạo thành hình những con vật ngộ nghĩnh, những mô hình vật dụng trong sinh hoạt gia đình đến những bông hoa đủ màu… sống động, đẹp mắt, an toàn, không gây độc hại cho trẻ, giúp bảo vệ môi trường.
Cô Vương Thị Hồng Nga, giáo viên Trường Mầm non huyện, cho biết: “Phong trào đã mang lại hiệu quả thiết thực, giáo viên giảng dạy hăng say hơn, trẻ tư duy năng động hơn. Tuy phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức nhưng hiệu quả, tác dụng của đồ dùng dạy học tự làm đã động viên, cổ vũ giáo viên suy nghĩ, sáng tạo nhiều hơn, đem lại niềm vui cho các cô”.
Được biết, để phong trào trở thành hoạt động thường xuyên, ngành GD&ĐT huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, trường học phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học. Các trường trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch và triển khai đến từng giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi để các cô tham gia; tổ chức hội thi làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, sau đó lựa chọn những sản phẩm tham dự hội thi cấp huyện, tỉnh; khen thưởng các tập thể, các cá nhân có thành tích cao trong hội thi. Mỗi cô thường tự xây dựng ý tưởng và thực hiện để bộ đồ dùng, đồ chơi gắn với từng chủ đề, nội dung bài giảng, tình huống giáo dục; qua đó giúp trẻ tiếp thu bài nhanh hơn và hào hứng hơn trong các buổi học.
Việc giáo viên các trường mầm non ở An Lão sáng tạo nhiều đồ dùng, đồ chơi phù hợp với nội dung giờ học, thích ứng với hoàn cảnh của một huyện miền núi còn nhiều khó khăn vừa giúp trẻ phát triển toàn diện, vừa hình thành ở giáo viên ý thức thường xuyên nghiên cứu, sáng tạo.
DIỆP THỊ DIỆU