Công tác y dược học cổ truyền:
Nhiều chuyển biến tích cực
Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa X về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Ðông y Việt Nam trong tình hình mới, công tác y dược cổ truyền (YDCT) ở tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Những năm gần đây, mạng lưới khám chữa bệnh (KCB) bằng đông y của tỉnh không ngừng được củng cố, kiện toàn. Tỉnh ta hiện có một bệnh viện y học cổ truyền với 140 giường bệnh, 100% bệnh viện đa khoa có khoa hoặc tổ đông y. Hoạt động YDCT tuyến xã đã có những bước phát triển nhanh và bền vững, từ 120 trạm y tế xã triển khai KCB YDCT năm 2008 (đạt 75,5%) tăng lên 150 trạm năm 2012 (đạt 94,5%). Đến nay, có 28 xã đạt chuẩn tiên tiến y học cổ truyền theo quy định của Bộ Y tế, huyện Phù Cát là huyện điểm tiên tiến về y học cổ truyền của tỉnh.
Một số chỉ tiêu của Kế hoạch hành động phát triển YHCT của tỉnh đến năm 2020:
- Đến năm 2015, kiện toàn Bệnh viện Y học cổ truyền theo hướng bệnh viện đa khoa, đạt bệnh viện hạng II.
- Tăng số giường bệnh YDCT tuyến tỉnh, huyện phù hợp với chỉ tiêu về KCB.
- Đến năm 2015, KCB bằng YDCT ở tuyến tỉnh đạt 15%, tuyến huyện 20% và tuyến xã 30%; đến năm 2020 tuyến tỉnh đạt 20%, tuyến huyện 25% và tuyến xã 40%.
Nhân lực làm công tác YDCT ở các cơ sở KCB công lập từ 7,6% năm 2008 tăng lên 8,4% năm 2012. Đây là điều kiện thuận lợi để nâng tỉ lệ KCB bằng YDCT ở các tuyến. Mạng lưới tổ chức Hội Đông y từ tỉnh đến cơ sở cũng không ngừng được củng cố và phát triển. Hội Đông y tỉnh hiện có 14 đơn vị và 5 chi hội trực thuộc. 111/159 xã, phường, thị trấn có tổ chức hội đông y cơ sở với 700 hội viên.
Tuy nhiên, công tác YDCT ở tỉnh ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Sở Y tế, phòng y tế chưa có bộ phận quản lý và cán bộ chuyên trách theo dõi công tác YDCT nên gặp nhiều khó khăn trong hoạt động tham mưu cho lãnh đạo các cấp chỉ đạo công tác này. Số lượng và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế làm công tác YDCT thiếu và yếu, trong khi công tác đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cho công tác YDCT tại một số cơ sở y tế còn hạn chế, thiếu thốn trang thiết bị. Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đỗ Trí Đức, hiện nay, việc sử dụng các trang thiết bị của y học hiện đại để hỗ trợ cho y học cổ truyền là rất cần thiết, giúp chẩn đoán chính xác bệnh, từ đó có hướng điều trị hiệu quả. “Bệnh viện rất cần các trang thiết bị hiện đại như máy điện cơ, máy laser nội mạch, máy oxy cao áp… Tuy nhiên, khó khăn về kinh phí cộng với điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo nên vẫn chưa trang bị được”, bác sĩ Đức cho hay.
NGUYỄN HOÀNG