ÐỌC LẠI “VÀNG TRONG LỬA”:
Khúc ca, vừa hùng tráng, vừa trữ tình…
Về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã có rất nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu.Trong số đó, cuốn “Vàng trong lửa - Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam Tổ quốc” (dưới đây sẽ viết tắt là “Vàng trong lửa”) do GS Trần Văn Giàu - Trần Bạch Đằng chủ biên, giữ một vị trí đặc biệt do tính tiêu biểu về nhiều mặt của nó. Sách “Vàng trong lửa” tập hợp hàng ngàn câu chuyện người thật - việc thật do nhân dân, chiến sĩ, cán bộ viết và kể về Bác Hồ bằng cả tấm lòng, thấm đẫm tính nhân bản, của tình người.
Qua gần 700 trang in, “Vàng trong lửa” đem đến cho người đọc niềm xúc động dâng trào về tình cảm của Bác Hồ dành cho miền Nam, cũng như tình cảm của miền Nam dành cho Bác. Đó là một “khúc ca, vừa hùng tráng, vừa trữ tình, đẹp như non sông gấm vóc của miền Nam nước ta, đẹp như lòng yêu nước của đồng bào miền Nam và đồng bào cả nước đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam” (Phạm Văn Đồng).
Trước năm 1990, chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1990), Ban KHXH Thành ủy TP Hồ Chí Minh (nay là Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh) chủ trì thực hiện bộ sách này và việc chủ biên được giao cho GS Trần Văn Giàu và Trần Bạch Ðằng. Sách được biên soạn với sự phối hợp chặt chẽ của rất nhiều cơ quan cả Trung ương và địa phương; được nhiều nhân vật nổi tiếng tham gia viết, cung cấp thông tin, cố vấn khoa học.
Không chỉ là kể lại cuộc đời của Người, những câu chuyện về Người, sách còn có những “giá trị cộng thêm” khiến nó trở thành một tài liệu chứa đựng nhiều thông tin, dữ kiện có giá trị. Đầu tiên là phần Phụ lục - Biên niên các sự kiện Bác Hồ với miền Nam trong giai đoạn 1945-1969. Với phụ lục này, bạn có thể tra cứu gần như toàn bộ từng sự kiện một theo từng tháng, từng năm, nguồn trích dẫn và tài liệu mở rộng.
Do thái độ và hành động của cụ Nguyễn Sinh Huy - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến tòa Khâm sứ và triều đình Huế nghi ngờ, tháng 7.1909 chúng bổ nhiệm ông vào làm Tri huyện Bình Khê - ngày ấy là một nơi hẻo lánh ở Bình Định. Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định. Đến tháng 1.1910, cụ Nguyễn Sinh Huy bị triệu về Huế. Và đến tháng 8.1910, cụ bị cách chức, trở thành thường dân. Trong quãng thời gian cha mình về Huế, Nguyễn Tất Thành vẫn ở lại Quy Nhơn - Bình Định. Ngày 5.6.1911, với cái tên Văn Ba, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xuống tàu Đô đốc Latouche-Tréville rời Sài Gòn bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Như vậy có thể thấy “Quy Nhơn - Bình Định” chiếm một đoạn thời gian khá dài trong thời thanh niên của Hồ Chí Minh.
Ở chương 1 - Nghìn dặm quê hương, có đoạn “Thời gian Nguyễn Tất Thành ở Quy Nhơn khá lâu, nhưng hiện nay chúng ta còn thiếu tư liệu. Chúng ta chỉ biết anh Thành vẫn tiếp tục học chương trình tiếng Pháp, đồng thời nhận dạy tiếng Pháp và các môn khoa học sơ đẳng cho các thầy đồ chuẩn bị cho kỳ thi hương trường Bình Định khoa Kỷ Dậu (1909) và các ông cử, ông tú đậu rồi học để sớm được bổ dụng” (trang 66, 67). Sau đó, trong phần Ghi chú thêm, các tác giả đã lưu ý cả thảy 7 điểm, trong đó điểm thứ 3 là điểm có dung lượng lưu ý lớn nhất - Về thời kỳ Nguyễn Tất Thành ở Quy Nhơn - Bình Định với nhiều điểm gợi mở có thể tạo tiền đề cho những công trình nghiên cứu tiếp theo.
Năm 1987, Đại hội đồng UNESCO Khóa họp lần thứ 24 tại Paris (Pháp) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam. Chúng ta đang nghiên cứu và học tập theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đọc “Vàng trong lửa”, cùng với những câu chuyện hay, bạn còn chắt lọc được nhiều tri thức, thông tin quý giá liên quan đến Người và một đoạn dài lịch sử của dân tộc, quê hương.
ÐÔNG A