TỘI PHẠM XÂM HẠI SỨC KHỎE NGƯỜI KHÁC:
Ngày càng diễn biến phức tạp
Thời gian qua, tính chất, mức độ của loại tội phạm làm tổn hại đến sức khỏe người khác (cố ý gây thương tích, giết người) trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp.
Một phiên tòa xét xử về tội xâm hại sức khỏe người khác với nhiều bị cáo hành động chủ yếu là “a dua”, bản thân không hề mâu thuẫn với nạn nhân.
Thực trạng đáng báo động
Sự manh động, liều lĩnh thể hiện rõ trong từng vụ án cụ thể. Đơn cử như vụ án Phan Thanh Công (SN 1986, ở tỉnh Gia Lai) dùng dao đâm, tước đoạt mạng sống của 1 người và gây thương tích cho 2 người khác (tỉ lệ thương tật từ 64-67%). Các vết đâm do Công thực hiện đều là chí mạng như thủng bụng, thủng ruột, ngực… Đáng nói, hành động mang tính chất hung hãn, manh động này xuất phát chỉ từ mâu thuẫn trong lúc chơi bầu cua tại huyện Tây Sơn. Hay như vụ án Phạm Hồ Thái (SN 1995, ở huyện Phù Mỹ) xảy ra trên địa bàn huyện Phù Mỹ, cùng một hành vi dùng dao tấn công làm 1 người chết và 1 người bị thương với tỉ lệ thương tật 23%.
Theo ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng phòng Kiểm sát điều tra án trị an - an ninh - ma túy (Viện KSND tỉnh), mặc dù trong mỗi vụ án trên, chỉ chết 1 người, còn lại bị thương nhưng các đối tượng gây án đều bị khởi tố, điều tra chung về một tội giết người với tình tiết định khung, tăng nặng là giết nhiều người. Tại điều 104, Bộ luật Hình sự năm 1999, đối với tội xâm hại sức khỏe người khác, nhất là tội cố ý gây thương tích có mức phạt cao nhất là 15 năm. Tuy nhiên, tại Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 loại tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác bị xử nặng hơn, với khung hình phạt cao nhất là chung thân. Cụ thể, tại khoản 5, điều 134 quy định mức phạt cho tội danh này từ 12 - 20 năm tù giam hoặc chung thân.
Thực tế, tỉ lệ tội phạm xâm hại sức khỏe người khác chiếm một con số không nhỏ trong cơ cấu tội phạm nói chung; đối tượng chủ yếu là người chưa thành niên. Những vụ gây gổ, đánh nhau giữa những người trẻ có thể vì một lý do cỏn con như xuất phát từ cái nhìn khó chịu hay từ một câu nói chưa được hài lòng. Và đáng báo động, trong mỗi vụ việc, các hung thủ không thực hiện hành vi một mình mà kích động nhiều đối tượng tham gia, sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn và giải quyết tới cùng. Đơn cử như vụ án giết người do Đặng Cao Hoàng (SN 1988, ở huyện Phù Mỹ) cùng đồng bọn thực hiện, thể hiện rõ sự côn đồ, manh động với hành vi truy đuổi đến cùng và sau đó dùng xăng đốt nạn nhân.
Từ đầu năm 2018 đến nay, các ngành chức năng đã khởi tố 250 vụ/484 bị can, trong đó truy tố 164 vụ/355 bị can; đưa ra xét xử 173 vụ/370 bị can, trong đó giết người 5 vụ/23 bị can; cố ý gây thương tích 36 vụ/79 bị can. Qua phân tích, có thể thấy sự ảnh hưởng phim ảnh có tính chất bạo lực, nhất là game bạo lực đã ảnh hưởng trực tiếp đến thanh thiếu niên, từ đó dẫn đến hành động bạo lực, sử dụng dao kiếm để giải quyết mâu thuẫn cá nhân. Cùng với đó là tình trạng lạm dụng rượu, bia; bị kích thích không kiềm chế được bản thân đã dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.
Cần giải pháp đồng bộ
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có những quy định xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền con người, quyền cơ bản của công dân, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trước đó, những hành vi xâm hại sức khỏe người khác một cách manh động đã gây hoang mang, bức xúc và bất bình lớn trong nhân dân nhưng mức hình phạt đối với hành vi này chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội khi căn cứ vào tỉ lệ thương tích của nạn nhân.
Tuy vậy, theo ông Đỗ Tấn Phước, bên cạnh sự cụ thể hóa bằng văn bản pháp luật, cần thiết phải làm cho mọi người nhận thức được rằng mạng sống của con người là quý nhất. Và công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm không chỉ là công việc của ngành CA, kiểm sát hay tòa án mà là của cả cộng đồng. Gia đình phải quan tâm sâu sát con em mình. Đối với trường học, bên cạnh việc dạy văn hóa thì cần dành thời gian đáng kể cho việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, trong đó có pháp luật hình sự cho học sinh, sinh viên.
Với vai trò là nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT, đại tá Nguyễn An Ninh - Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết lực lượng CA đã và đang đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn, tụ điểm phức tạp về ANTT… Song, tự bản thân mỗi người cũng cần nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, nếu xảy ra mâu thuẫn nên cố gắng xử lý mâu thuẫn theo cách ổn thỏa nhất, tránh xung đột dẫn đến hậu quả đáng tiếc để rồi bản thân phải trả giá đắt bằng chính mạng sống hay sự tự do của mình.
“Tại Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa, đổi bổ sung năm 2017 loại tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác bị xử nặng hơn trước, với khung hình phạt cao nhất là chung thân. Cụ thể, tại khoản 5, điều 134 quy định mức phạt cho tội danh này từ 12 - 20 năm tù giam hoặc chung thân.”
KIỀU ANH