Lọc qua tro bụi
Theo các truyền thuyết về Man Nương, vào năm 189, có một nhà sư ngoại quốc tên Khâu Đà La từ Thiên Trúc tìm đến thành Luy Lâu xứ Giao Châu để tu tập. Nơi sư lưu lại hành thiền là chùa Phúc Nghiêm, một ngôi chùa nhỏ thuộc làng Mãn Xá, gần bờ sông Dâu. Với phép tu đứng một chân, có thể không ăn nhiều ngày, sư thu hút sự chú ý của trai gái già trẻ quanh vùng, được nhiều người ngưỡng mộ cầu học Phật đạo. Trong số tìm đến có một người mộ đạo tên là Tu Định, đưa cả con gái lúc bấy giờ mới 12 tuổi theo cùng. Hàng ngày, cô gái này thường mang rau quả cúng dường cho sư. Sư rất quý cô thôn nữ nhỏ, thường bảo: “Con là pháp khí của ta!”.
Tượng Pháp Vân và hộp gỗ đặt Thạch Quang Phật ở chùa Dâu.
Thế rồi, cô gái ấy có mang, người cha đến hỏi sư lỗi do ai. Sư bảo đó là con Phật. Sự biện hộ đó không được xã hội thừa nhận. Cô thôn nữ và sư Khâu Đà La đã phạm giới luật Phật giáo và quan niệm đạo đức phong kiến. Cả hai không đủ lý lẽ và can đảm để bước qua giới hạn. Nàng, vì không chịu nổi sự trách phạt nghiêm khắc của gia đình và xóm làng nên phải giao con. Ngày nàng mang con đến trả, sư, vì không muốn từ bỏ vị thế và danh dự của mình nên vứt bỏ con rồi giải thích là đã xẻ cây dâu bên bến sông, gửi đứa bé vào thân cây và cây tự liền lại.
Không thể tiếp tục ở chùa này, sư Khâu Đà La trao cho nàng cây tích trượng rồi bỏ đi biền biệt. Còn lại một mình, nàng dở điên dở dại, cái tên Man Nương có lẽ gắn với nàng từ đó.
Về sau có trận mưa to, cây dâu bị gió bão quật đổ xuống sông Dâu, rồi trôi về Luy Lâu, Bắc Ninh. Quan sở tại bấy giờ là Sĩ Nhiếp cho quân lính vớt lên để làm dinh điện, nhưng không sao vớt nổi.
Man Nương từ lúc mất con, đi lang thang dọc triền sông, đến đấy thấy cây dâu trôi nổi chợt nảy thương tâm, bèn lội xuống giữa dòng buộc dải yếm vào cây và bảo: “Ơi cây, có phải con mẹ thì theo mẹ!”, rồi quay mình, cây dâu ngoan ngoãn theo bà vào bờ.
Sĩ Nhiếp cho là sự lạ, bèn tuyển mười người họ Đào xẻ cây dâu tạc bốn pho tượng tượng trưng cho Mây, Mưa, Sấm, Chớp là Pháp Vân - Pháp Vũ - Pháp Lôi - Pháp Điện để thờ ở bốn ngôi chùa khác nhau: Chùa Dâu, Chùa Đậu, Chùa Dàn, Chùa Tướng.
Cây dâu cổ thụ
Khi họ Đào xả cây làm tượng, thấy giữa thân cây có một khối đá bèn vứt xuống sông. Đêm đêm, khúc sông chỗ khối đá chìm rực sáng. Man Nương tìm con, đi thuyền ra giữa sông thì khối đá tự nhiên từ đáy sông nhảy vào lòng, bà mang theo về làng Mãn Xá, nơi xưa kia bà và sư Khâu Đà La gặp gỡ. Mỗi khi hạn hán, thương dân khổ cực, bà đem tích trượng cắm xuống đất và chạm tay vào khối đá cầu khấn, lập tức trời mưa.
Sau khi Man Nương mất, dân làng thờ mẹ con bà tại chùa Phúc Nghiêm (chùa Tổ), tôn xưng bà là Phật Mẫu và khối đá là Thạch Quang Phật. Sau này, người ta rước Thạch Quang Phật về thờ ở chùa Dâu.
Tương truyền, những cặp vợ chồng hiếm muộn tìm tới dâng hương, chạm tay vào khối đá cầu xin Thạch Quang Phật, thế nào cũng toại nguyện.
Một linh hồn trẻ thơ vô tội bị gạt khỏi xã hội, thác sinh vào cây cỏ, lãng đãng bám theo người rứt ruột đẻ ra mình. Chỉ cần một tiếng gọi thâm tình, là gỗ đá chuyển lay. Mẹ ấy con ấy, dù trải bao cay nghiệt lênh đênh, vẫn hướng về cõi người để thương yêu, chở che, cứu chuộc. Ánh mắt của người xưa đau đáu dõi theo số phận Man Nương. Thạch Quang Phật tỏa sáng, hay lòng trắc ẩn của con người muốn thắp lên một ngọn lửa thiêng, rằng lọc qua tro bụi, tình yêu và tình mẫu tử là báu linh vô giá!
Tản văn - Trần Thị Huyền Trang