Tai nạn lao động và những hệ lụy
Tai nạn lao động trở thành nỗi ám ảnh khi vừa cướp đi người thân, trụ cột gia đình, làm suy yếu hoặc mất sức lao động đối với người lao động.
Năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 69 vụ tai nạn lao động, trong đó có 15 người thiệt mạng. Nguyên nhân được xác định vẫn là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; người lao động chưa được huấn luyện, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc không tuân thủ quy trình làm việc an toàn.
Ám ảnh tai nạn
Đã hai năm kể từ thời điểm xảy ra vụ tai nạn bỏng do phóng điện trong lúc lắp đặt biển quảng cáo nhưng dấu vết và hậu quả của nó vẫn hiện rõ trên người anh Trịnh Công Hữu (25 tuổi, tạm trú ở phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn). Phần thân từ ngực xuống đến tận chân chằng chịt những vết sẹo bỏng. Một phần chân phải bị cắt cụt. Nụ cười vẫn chưa thể trở lại trên gương mặt chàng trai trẻ tuổi bởi sự ám ảnh của những cơn đau, những đợt điều trị kéo dài.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh (bìa trái) thăm gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Tàu (ở Phước An, Tuy Phước), công nhân đá granite, bị tai nạn lao động tử vong năm 2017.
Mẹ anh Hữu, bà Nguyễn Thị Loan (51 tuổi) kể: “Hữu mất 4 tháng nằm viện ở TP Hồ Chí Minh. Sau đó, tiếp tục điều trị thêm tại BVĐK tỉnh 1 tháng. Từ lúc về nhà, Hữu phải phụ thuộc vào mẹ trong mọi sinh hoạt. Tôi là thợ hồ, nhưng không dám đi làm xa, chỉ tìm việc gần nhà để chạy về giúp con mỗi khi cần”.
Không chỉ mất đi sức khỏe, anh Nguyễn Thành Được (28 tuổi, ở 22 Nguyễn Thị Thập, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) còn mất cả sự minh mẫn khi té từ trên cao xuống trong lúc sửa chữa hệ thống điện cho Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn. Dù đã phẫu thuật, song trí nhớ của anh chưa hồi phục. Anh Được chẳng nhớ được vì sao mình bị tai nạn.
“Hiện tại, con tôi thường xuyên đau đầu. Sức khỏe thì không ổn định nên chẳng thể chăm lo cho gia đình. Với gia đình tôi, ngày nhận tin con bị chấn thương sọ não, ở ranh giới giữa sống và chết, trở thành nỗi ám ảnh mãi không quên”, bà Nguyễn Thị Nương (55 tuổi), mẹ anh Được, nói.
Bên bàn thờ chồng, bà Vương Thị Thảo (thôn Mỹ Hóa, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) cứ bần thần. Chồng bà, ông Nguyễn Văn Thắng đã mất khi đang làm công nhân trang trí nội thất tại một công trình xây dựng của Công ty TNHH Phú Hòa. “Thời điểm đó, trời đã tối, chồng tôi vừa làm xong thì bất cẩn rơi từ giếng trời tầng 3 xuống đất và mất. Người ta nói, công trình lúc đó chưa lắp điện. Có lẽ do chồng tôi mệt quá nên không phân biệt được các khu vực...”, bà Thảo kể lại.
Hậu quả nặng nề
Hậu quả của tai nạn lao động là không đo, đếm hết được. Về phía chủ sử dụng lao động, thiệt hại là không nhỏ khi phải đứng trước các khoản chi phí y tế, bồi thường, trợ cấp cho người lao động. Mặt khác, uy tín của DN cũng bị ảnh hưởng; hoạt động sản xuất có thể bị gián đoạn. Song, thiệt thòi về phía người lao động vẫn nặng nề hơn hết. Không chỉ bị tổn hại về tính mạng, sức khỏe, khả năng làm việc, cuộc sống gia đình người lao động bị đảo lộn, có thể rơi vào tình trạng đói nghèo.
Sau tai nạn, nhờ có tham gia BHXH, anh Được có chế độ, được bồi thường, hỗ trợ phù hợp. Riêng anh Hữu, vì là lao động tự do, làm việc theo nhóm nhỏ nên không có chế độ bồi thường và hỗ trợ. Để có tiền chữa chạy cho anh, mẹ anh đã bán căn nhà ở KV2, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn chuyển cả nhà vào ở trong một phòng trọ rộng 15 m2 trên đường Đào Tấn.
Hơn cả những thiệt hại về mặt kinh tế là sự suy sụp tinh thần. Từ một lao động trẻ khỏe, anh Hữu đành phải chấp nhận cảnh thất nghiệp và phụ thuộc vào mẹ. Sự tù túng, nhỏ hẹp của căn phòng trọ, cộng với việc phải ngồi bất động một chỗ, chấp nhận mình trở thành người khuyết tật đang làm anh cảm thấy mệt mỏi, chán nản.
Mẹ anh Hữu tâm sự: “Mong sao con sớm khỏe, phục hồi chức năng và có thể tìm được một công việc phù hợp để nó vui vẻ sống. Tôi cũng không thể ở đời với con hoài được”.
Hỗ trợ gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động
Hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cùng với ngành LÐ-TB&XH đã đến thăm và tặng quà 7 gia đình nạn nhân tai nạn lao động. Ngoài thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình 1 triệu đồng/trường hợp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương và ngành LÐ-TB&XH quan tâm, hỗ trợ về mặt thông tin việc làm, xuất khẩu lao động để các thành viên còn lại của gia đình nạn nhân tai nạn lao động ổn định cuộc sống, gánh vác trách nhiệm các nạn nhân trao lại.
NGUYỄN MUỘI