ÐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG TIẾP XÚC CỬ TRI:
Hướng đến nội dung cử tri quan tâm, bức xúc
Ðổi mới hoạt động tiếp xúc cử tri của ÐBQH là yêu cầu thực tiễn đang đặt ra và ngày càng cấp thiết. Trước thềm kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV (khai mạc vào hôm nay, 21.5), Phó Trưởng đoàn ÐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đã có cuộc trao đổi với PV Báo Bình Ðịnh xung quanh vấn đề này.
Không né tránh điểm nóng, việc khó
* Theo bà, hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) của ĐBQH tỉnh thời gian qua đã đạt được kết quả đáng chú ý nào? Đâu là những khó khăn, hạn chế?
- Cần khẳng định rằng, hoạt động TXCT của Đoàn ĐBQH tỉnh trong những năm qua được tổ chức rất nền nếp. Đoàn luôn chú trọng việc tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả TXCT. Từ ý kiến, kiến nghị của cử tri, các ĐBQH đã chọn lọc, tiếp thu, nghiên cứu để có ý kiến tham gia vào nhiều vấn đề quan trọng, chương trình nghị sự của Quốc hội, góp phần hiện thực hóa chính sách, pháp luật.
ĐBQH Lý Tiết Hạnh tiếp xúc cử tri xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV.
Tuy nhiên, thực tế TXCT còn một số khó khăn, hạn chế. Việc cử đại diện tham gia, phối hợp TXCT của các cơ quan ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, do đó chưa kịp thời tiếp thu, giải quyết trực tiếp các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Một số cuộc TXCT còn nặng về yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo; vẫn còn tình trạng “cử tri chuyên nghiệp”. Tổ chức TXCT theo hình thức tại nơi cư trú, nơi làm việc và gặp gỡ nhóm cử tri còn hạn chế. Việc đeo bám, đôn đốc và theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị tuy được quan tâm nhưng chưa thường xuyên, rốt ráo nên phần nào ảnh hưởng đến lòng tin của cử tri.
* Thực tế đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hoạt động TXCT. Trên cương vị Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, theo bà cần phải đổi mới như thế nào về hình thức và nội dung của các cuộc TXCT?
- Điều quan trọng nhất cần hướng tới là phải sát hơn, phù hợp hơn với thực tiễn cũng như những vấn đề trọng tâm, trọng điểm mà Quốc hội, người dân đang quan tâm. Phải đổi mới cả về nội dung, cách thức tổ chức; khắc phục tính đơn điệu, hình thức theo chế độ hội nghị. Tăng cường tổ chức các buổi tiếp xúc tại địa bàn dân cư, tiếp xúc trực tiếp với từng người dân; xác định các nội dung, mục đích tiếp xúc thật rõ để xác định đối tượng và địa bàn tiếp xúc phù hợp; không né tránh những điểm nóng, việc khó.
“Với những kiến nghị chính đáng chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, từng đại biểu phải đeo bám để yêu cầu giải quyết triệt để. Ðoàn ÐBQH tỉnh và từng đại biểu cần đẩy mạnh hoạt động tái giám sát việc thực hiện các kết luận giám sát”
Để góp phần giúp hoạt động TXCT ngày càng hiệu quả, thực chất, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường giải quyết ý kiến, kiến nghị và trả lời cho cử tri trong thời hạn cụ thể; tránh tình trạng đại biểu dân cử trở thành “hộp thư” chuyển lòng vòng. Bên cạnh đó, từng ĐBQH cần có kế hoạch cụ thể, thiết thực thâm nhập vào đời sống ở địa phương để hiểu rõ những yêu cầu của thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Văn phòng Đoàn ĐBQH phải tham mưu cho ĐBQH nắm thật kỹ tình hình địa bàn và vấn đề nổi cộm, từ đó chủ động trong TXCT.
Để đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri
* Một trong những vấn đề cử tri rất quan tâm là kết quả xử lý, giải quyết kiến nghị của họ qua các lần TXCT trước đó. ĐBQH sẽ có nhiều việc phải làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ này…
- Đây là một trong những yếu tố để đánh giá tính hiệu quả của công tác TXCT, được từng ĐBQH đặc biệt quan tâm. Đối với những kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, ĐBQH cần thông báo tại buổi TXCT; đồng thời chuyển tải đến cử tri thông qua nhiều kênh khác nhau. Với những kiến nghị chính đáng chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, từng đại biểu phải đeo bám để yêu cầu giải quyết triệt để. Đoàn ĐBQH tỉnh và từng đại biểu cần đẩy mạnh hoạt động tái giám sát việc thực hiện các kết luận giám sát.
Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh trò chuyện với cử tri huyện Tây Sơn.
Ngoài ra, các quy định về cơ chế giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri phải cụ thể, hiệu quả hơn; nhất là xác định trách nhiệm pháp lý của các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp không hoặc chậm giải quyết.
* Thời gian gần đây, trước nhiều vấn đề nóng phát sinh trong đời sống, nhu cầu được lên tiếng, bày tỏ của cử tri theo đó cũng tăng lên. Nhiều cuộc TXCT đã chuyển dịch theo hướng gần như là đối thoại. Từ thực tế này, ĐBQH phải như thế nào để đáp ứng kỳ vọng của cử tri?
- Hiện nay, nhiều tồn tại, bất cập trong công tác quản lý đất đai, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, phòng, chống tham nhũng… được cử tri của nhiều địa phương bức xúc kiến nghị. Cử tri khiếu nại, tố cáo về những khuất tất trong thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở TP Hồ Chí Minh là một điển hình. Trước đây, ở tỉnh ta cũng đã có vài cuộc TXCT của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XI kéo dài đến chiều tối. Thậm chí, ở xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) tại điểm tiếp xúc chưa có điện nên ĐBQH đã chỉ đạo bật đèn pha xe ô tô để thắp sáng, tiếp tục để cử tri bày tỏ hết các bức xúc.
Để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của cử tri, theo tôi, thời gian của buổi TXCT không nên giới hạn bởi giờ hành chính. Tuy nhiên, không phải cứ nói cho nhiều, cho dài mới là thành công. Việc chủ trì, điều hành buổi tiếp xúc phải khoa học; trả lời kiến nghị rõ ràng, thuyết phục, không né tránh… Mấu chốt của vấn đề là ĐBQH phải đặt mình vào hoàn cảnh của cử tri để yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết thấu tình, đạt lý, thỏa đáng quyền lợi hợp pháp của họ.
* Xin cảm ơn bà.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)