PHONG TRÀO TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA:
Hướng tới lợi ích người dân
Từ khi thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh từng bước khởi sắc. Có kết quả trên là nhờ việc chỉ đạo triển khai toàn diện, sâu sát, hiệu quả của Ban Chỉ đạo phong trào và tinh thần ủng hộ, hợp tác của người dân.
Khi được thuyết phục bởi những lợi ích thấy rõ, người dân tích cực tham gia thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (gọi tắt là phong trào xây dựng đời sống văn hóa - XDĐSVH). Nhờ kết hợp linh hoạt với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hiệu quả phong trào được nâng cao thấy rõ, thể hiện qua nhiều hành động thiết thực: hiến đất ở, đất sản xuất, không yêu cầu đền bù thiệt hại về công trình, vật kiến trúc, đóng góp công lao động…
Nội dung thiết thực, thu hút người dân
Từ khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới gắn kết thực hiện Phong trào XDĐSVH, bộ mặt xã Phước Hưng, một xã thuần nông của huyện Tuy Phước, đã khởi sắc rõ rệt. Hiện nay, 7/7 thôn của xã đạt thôn văn hóa, trên 95% gia đình đạt gia đình văn hóa, hệ thống đường giao thông trong xã tươm tất, các thiết chế văn hóa, thể thao khang trang, phong trào đi bộ, TDTT, văn nghệ của xã được nhiều người dân hưởng ứng.
Liên hoan gia đình văn hóa TX An Nhơn năm 2017, thu hút nhiều gia đình tham gia.
“Để phong trào đi vào hiệu quả, chúng tôi xây dựng kế hoạch và triển khai cụ thể theo từng giai đoạn, đảm bảo tính chủ động, phù hợp, hướng tới lợi ích của dân. Các chương trình công tác đều được xây dựng thành những mục việc rõ ràng, có đối tượng cụ thể, có khung thời gian để kiểm soát, phân công người theo dõi đôn đốc...”, bà Phạm Thị Hồng Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, cho biết.
Ở làng M2 (xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thạnh), chi ủy và các đoàn thể nắm rõ nhu cầu của người dân, xây dựng kế hoạch, chương trình công tác phù hợp, nhờ đó đã thu hút được người dân tham gia phong trào XDĐSVH. Ví dụ khi người dân lo lắng trước tình trạng thanh niên sa đà rượu bia, địa phương tổ chức, khuyến khích các hoạt động lành mạnh cho thanh niên, nhờ vậy hiện tượng thanh niên ăn nhậu say sưa, các hiện tượng tiêu cực khác cũng giảm hẳn. Cũng từ phong trào này, đội cồng chiêng và múa xoang của làng được tái lập sau thời gian dài ngưng hoạt động, phát triển thành đội cồng chiêng tiêu biểu của huyện Vĩnh Thạnh.
Linh hoạt, phù hợp thực tế
Trong triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo Phong trào XDĐSVH các địa phương tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, gần gũi với nhu cầu, lợi ích của người dân. Ví dụ, trong năm 2017, chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phong trào với nhiều hình thức như: Tổ chức giao lưu các mô hình làng, khu phố tiêu biểu ở các địa phương, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT tạo khí thế thi đua sôi nổi, giúp người dân tiếp cận được nội dung phong trào.
Để bảo vệ môi trường, làm đẹp bộ mặt địa phương, Chi bộ và Chi hội nông dân thôn Nam Tân (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) đã xây dựng mô hình xanh - sạch - đẹp với đối tượng thực hiện chính là nông dân địa phương. Bà Văn Thị Cúc, Phó bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội nông dân thôn Nam Tân, lý giải: “Nếu môi trường không tốt sẽ ảnh hưởng đến bộ mặt của địa phương. Hơn nữa, đoạn đường chúng tôi quản lại là đoạn đường chính lên tháp Cánh Tiên - điểm du lịch của Nhơn Hậu, cho nên chúng tôi phải ý thức gìn giữ hơn. Khi thuyết phục và chỉ cho người dân thấy được lợi ích nếu giữ tốt chất lượng cảnh quan môi trường, chính họ sẽ thay đổi lối sống và tự mình thực hiện các yêu cầu đề ra”.
Không chỉ đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, môi trường, nhiều cá nhân còn tự ý thức về xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ địa phương. Như ở xã Cát Hanh (Phù Cát), gia đình bà Nguyễn Thị Linh không chỉ được biết đến nhờ nhiều năm liền là gia đình văn hóa, gia đình hiếu học của địa phương mà còn bởi rất tích cực tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, góp phần gìn giữ các làn điệu dân ca, bài chòi.
Tùy theo điều kiện, đặc điểm mà mỗi địa phương có hình thức, nội dung vận động, chương trình công tác để thực hiện Phong trào XDĐSVH phù hợp, từ đó huy động được sự tích cực, tự nguyện tham gia của người dân. Nhờ cách làm linh hoạt, trong phong trào này đã xuất hiện nhiều điển hình tốt, như nhiều hộ dân ở thôn Nho Lâm (xã Phước Hưng, Tuy Phước), thôn Vân Sơn (xã Nhơn Hậu), thôn Tân Lập (xã Nhơn Lộc, An Nhơn), thôn Thiện Chánh (xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn)... tự nguyện hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn.
Toàn tỉnh hiện có 80/159 xã, phường, thị trấn (50,31%) có nhà văn hóa. Có 113 khu sinh hoạt văn hóa - thể thao cấp xã có sân khấu ngoài trời kiên cố, trang bị đầy đủ âm thanh, ánh sáng; 132 phường, xã có trung tâm học tập cộng đồng.
Có 821 nhà văn hóa thôn, khu phố, 78 nhà rông làng Bana và Chăm, 33 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng H’rê, chiếm 82,91% trên tổng số thôn, khu phố, làng toàn tỉnh.
Năm 2017, có 92,93% gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 77,74% khu dân cư được công nhận làng văn hóa, thôn văn hóa, khu phố văn hóa; 79,42% cơ quan, đơn vị, DN đạt chuẩn văn hóa.
Có 45/126 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 8/33 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
THẢO KHUY