Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định thảo luận tổ về tình hình KT-XH
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 22.5, Quốc hội thảo luận ở tổ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn phát biểu tại cuộc họp tổ góp ý tình hình KT-XH.
Tại tổ 6 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bình Định, Thái Bình và TP Hải Phòng, các đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ về phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn đánh giá, tăng trưởng kinh tế năm 2017 của cả nước đạt 6,81% là điều hết sức đáng mừng; quý I/2018 tăng trưởng 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua. Góp ý về những khó khăn, hạn chế, đại biểu Lê Kim Toàn cho rằng, đáng tiếc là sự lan tỏa về những kết quả KT-XH đạt được trong năm 2017 chưa trở thành thông tin chủ đạo để tạo niềm tin cho nhân dân. Ngoài ra, đầu tư công chưa hiệu quả, thể hiện ở việc giải ngân chậm trong khi nhu cầu đầu tư cao, vốn đầu tư công lại hạn chế; đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương giám sát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Cần giữ nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách và sử dụng có hiệu quả nguồn lực quốc gia; nhà nước không nhất thiết phải đảm nhận những công việc mà DN, cá nhân thực hiện được. Cần xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp gắn kết đồng bộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ để khắc phục tình trạng được mùa mất giá. Cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa cho DN trực tiếp sản xuất, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đối với DN Việt để xây dựng thương hiệu Việt có sức cạnh tranh. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh Bình Định thành lập Trung tâm hành chính công để góp phần cải cách thủ tục hành chính.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đề nghị kiểm soát chặt chẽ để phòng chống tình trạng phá rừng; quan tâm hơn đến cơ chế chính sách để người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, bố trí đủ lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, nhất là đối với các địa phương có diện tích rừng lớn, địa bàn rộng và phức tạp. Có chính sách cụ thể khuyến khích, động viên người dân yên tâm tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chú trọng hơn nữa đến các chính sách an sinh xã hội, nhất là đẩy mạnh việc giải quyết các trường hợp người có công với cách mạng không còn hồ sơ gốc; cân nhắc lộ trình tăng tuổi hưu phù hợp với một số ngành nghề và giới tính để phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức.
Trên cơ sở phân tích đánh giá những mặt được của tình hình thực hiện ngân sách năm 2017, ĐBQH Nguyễn Hữu Đức (Đoàn Bình Định) đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, truy thu các khoản nợ đọng, khắc phục tình trạng thất thu ngân sách; bổ sung những giải pháp hữu hiệu hơn để khai thác hiệu quả kinh tế biển gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, liên kết vùng ở những địa phương có biển, trong đó có Bình Định.
Sỹ NGUYÊN
(Luật quốc phòng) Quân đội cần đề xuất QH cho chuyển tất cả vụ án liên quan chương trình đóng tàu xa bờ, bảo vệ vùng biển và các chương trình tương tự sang Tòa án hình sự quân đội xử!