Bình Ðịnh với Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy di sản bài chòi:
Vinh dự lớn, trách nhiệm nhiều
Là 1 trong 9 địa phương miền Trung có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy di sản Nghệ thuật bài chòi Trung bộ, Việt Nam, Bình Ðịnh đang khẩn trương xây dựng đề án triển khai trên địa bàn tỉnh. Ðây được xem là chương trình bảo vệ, phát huy di sản bài chòi mang tính tổng lực, toàn diện, quy mô nhất từ trước đến nay, nhằm đảm bảo hiệu quả và xứng đáng với “vị thế mới” của bài chòi.
Chương trình hành động quốc gia đầu tiên về bài chòi kêu gọi sự chung tay của cả nước, nhất là chủ thể di sản - người dân miền Trung - để bảo vệ, phát huy di sản này.
- Trong ảnh: Khách du xuân đến Bình Định dịp Tết 2018 trải nghiệm hội đánh bài chòi.
Tại lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật bài chòi Trung bộ, Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - ngày 5.5 tại TP Quy Nhơn, Bình Định - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy di sản Nghệ thuật bài chòi Trung bộ, Việt Nam (giai đoạn 2018 - 2023) (gọi tắt là Chương trình). Thông điệp của Chương trình nhằm định hướng việc tổ chức thực hiện bảo vệ, phát huy di sản này và hơn hết - kêu gọi sự quan tâm, chung tay của cộng đồng vì bài chòi.
Chung tay vì bài chòi
“Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể thứ 12 được UNESCO ghi danh, chứa đựng cả âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học, chuyển tải các thông điệp về tình yêu quê hương đất nước và sự gắn kết cộng đồng. Bài chòi phổ biến khắp miền Trung, vì đây vừa là hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã, vừa là môi trường thực hành và sáng tạo nghệ thuật, đồng thời cũng là nơi bảo tồn vốn văn nghệ dân gian, phong cách trình diễn với nét độc đáo, đa dạng mang sắc thái của nhiều địa phương. Bộ VH-TT&DL kêu gọi các bộ, ban, ngành, UBND các cấp, các cơ quan hữu quan, cộng đồng 9 địa phương là chủ thể của di sản Nghệ thuật bài chòi Trung bộ, Việt Nam và nhân dân cả nước cùng chung tay bảo vệ bền vững và phát huy di sản quý giá này”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện kêu gọi.
Với 5 nội dung định hướng việc tổ chức thực hiện mà Chương trình đặt ra, Bộ VH-TT&DL yêu cầu 9 tỉnh, thành miền Trung có di sản (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) xây dựng đề án chi tiết, cụ thể hóa Chương trình để triển khai tại mỗi địa phương.
Tại Bình Định, theo Sở VH&TT (cơ quan có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình), dự thảo Đề án bảo vệ và phát huy di sản Nghệ thuật bài chòi Trung bộ, Việt Nam (giai đoạn 2018 - 2023) trên địa bàn tỉnh đang được khẩn trương xây dựng, dự kiến hoàn thành trong tháng 6.2018.
Bình Định tích cực thực hiện
Theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Trương Đông Hải, với lộ trình thực hiện trong 5 năm, cụ thể việc triển khai sẽ được Đề án nêu rõ, theo từng năm. Trong đó, những nội dung, nhiệm vụ cơ bản để bảo vệ, phát huy di sản Nghệ thuật bài chòi Trung bộ, Việt Nam, đó là: tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa Di sản. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, nhất là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị Di sản. Tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy Di sản trong cộng đồng. Mở rộng các hình thức và môi trường sinh hoạt mới, phù hợp với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị Di sản trong cuộc sống đương đại. Tôn vinh các cá nhân, CLB, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản; kịp thời, sâu sát trong hướng dẫn thực hiện chính sách đãi ngộ, phong tặng danh hiệu cấp Nhà nước cho nghệ nhân tài năng, nhiều cống hiến. Tăng cường các hình thức giáo dục phù hợp trong và ngoài trường học để truyền dạy, giáo dục thẩm mỹ, cảm thụ về di sản cho thế hệ trẻ, hướng đến việc đào tạo khán giả cho bài chòi. Thường xuyên tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về di sản…
“Trọng trách bảo vệ bền vững và phát huy tốt hơn nữa giá trị Di sản, xứng đáng là “chiếc nôi” cũng như vị thế mới của bài chòi là điều chúng tôi rất ý thức khi xây dựng Ðề án. Ðiều mong mỏi nhất là sự quan tâm của chính quyền các cấp và người dân, đây là điểm tựa vững chắc nhất để việc tổ chức thực hiện Ðề án, việc bảo vệ, phát huy di sản Nghệ thuật bài chòi Trung bộ, Việt Nam trên địa bàn tỉnh ở chặng đường mới thành công”.
Ông Trương Đông Hải, Phó Giám đốc Sở VH&TT
Phó Giám đốc Trương Đông Hải cho hay, trong 9 tỉnh, Bình Định được mặc nhiên xem là “nguồn cội” của bài chòi. Mặt khác, trong hành trình bài chòi trở thành di sản cấp quốc gia rồi đến di sản đại diện của nhân loại, địa phương được giao vai trò chủ công trong thực hiện hồ sơ đề cử, chủ trì tổ chức Lễ đón Bằng ghi danh của UNESCO. Vị trí đặc biệt đó với Di sản, Bình Định luôn tự ý thức sâu sắc.
“Với chương trình hành động quốc gia đầu tiên về bài chòi, Bình Định vừa có lợi thế nhưng trọng trách cũng rất lớn. Lợi thế đó là nội lực về Di sản của chúng ta được đánh giá vượt trội hơn 8 địa phương còn lại; nguồn lực về nghệ nhân dồi dào, nhận thức của người dân địa phương về di sản ngày một cao… Đồng thời, trọng trách bảo vệ bền vững và phát huy tốt hơn nữa giá trị Di sản, xứng đáng là “chiếc nôi” cũng như vị thế mới của bài chòi là điều chúng tôi rất ý thức khi xây dựng Đề án. Điều mong mỏi nhất là sự quan tâm của chính quyền các cấp và người dân, đây là điểm tựa vững chắc nhất để việc tổ chức thực hiện Đề án, việc bảo vệ, phát huy di sản Nghệ thuật bài chòi Trung bộ, Việt Nam trên địa bàn tỉnh ở chặng đường mới thành công”, Phó Giám đốc Trương Đông Hải kỳ vọng.
SAO LY