Luật tiếp cận thông tin: Sẽ chấm dứt tình trạng “bưng bít” thông tin?
Lần đầu tiên, Nhà nước bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân một cách đầy đủ và tiến bộ, thể chế hóa Hiến pháp 2013 về quyền con người.
Thời gian qua, một số văn bản thông tin chính thức của các cơ quan Nhà nước đã bị lạm dụng đóng dấu “mật” để bưng bít thông tin, khiến cho thông tin trở nên “mù mờ” như các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dẫn đến khiếu kiện vượt cấp kéo dài… Theo ông Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin Truyền thông, việc bưng bít thông tin thường là nhằm che dấu những hoạt động khuất tất, không đàng hoàng, không minh bạch. Và tình trạng này sẽ bị chấm dứt khi Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực từ ngày 1.7.2018. Ông Nghiêm hiện là Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Ông Lê Nghiêm- Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Thông tin và Truyền thông thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Khuất tất thông tin diễn ra trong nhiều lĩnh vực
Rất nhiều thông tin, lẽ ra người dân phải biết, lẽ ra báo chí có thể tiếp cận nhưng nó đã được giấu kín bởi những công văn đóng dấu “mật”, chẳng hạn như những “thương vụ” mua bán tài sản công trị giá hàng ngàn tỷ đồng hay những dự án xây dựng, chuyển giao (dự án BT, BOT) giữa cơ quan Nhà nước và nhà thầu…
“Tôi lấy ví dụ như những dự án BOT. Nếu ngay từ đầu, quá trình xây dựng phương án tài chính được báo chí và người dân tiếp cận thì họ có thể theo dõi, giám sát, và có thể đã phát hiện sai sót, như có vi phạm Luật đấu thầu hay không? Có chọn được nhà thầu tốt hay không? Có tình trạng “sân trước”, “sân sau” hay không? Dự toán chi phí của từng dự án có bị kê vống lên hay không? Việc thu phí có hợp lý hay không?...", ông Lê Nghiêm dẫn chứng.
Ông Lê Nghiêm cũng cảm thấy xót xa khi nhắc đến các vụ mua bán nhà đất công sản, những lô đất “vàng”, đất “kim cương” rơi vào tay các đại gia bất động sản được chỉ định với giá rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường … Việc bán rẻ tài sản của Nhà nước diễn ra ở nhiều địa phương khiến Thủ tướng phải chỉ đạo chấm dứt ngay tình trạng bán tài sản công, đất công mà không thông qua đấu giá.
“Ở các nước phát triển, đây là những thông tin buộc phải công khai và giải trình ”, Phó Viện trưởng Viện ứng dụng Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh yêu cầu này và cho biết, tới đây, Luật tiếp cận thông tin sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2018, nhiều việc làm khuất tất nói trên sẽ không còn đất sống.
Người dân có quyền yêu cầu thông tin, đòi được biết thông tin
Ông Lê Nghiêm dẫn chứng: “Tại điều 17 của Luật Tiếp cận thông tin quy định 46 loại thông tin bắt buộc các cơ quan Nhà nước, từ cấp phường xã trở lên phải công khai rộng rãi, trong đó có những thông tin rất quan trọng như: Thông tin về mua sắm tài sản công, dự án đầu tư công, dự toán và thực hiện ngân sách nhà nước, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Những thông tin liên quan mật thiết đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân thì họ đều có quyền được biết”.
Luật Tiếp cận thông tin quy định, những thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ngay từ đầu, người dân phải được biết. Người dân biết được ngay là nhà của mình, đất của mình nằm trong quy hoạch hay ngoài ranh quy hoạch. Họ cũng sẽ được biết vể giá đất, kế hoạch thu hồi đất, phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Ông Lê Nghiêm nhấn mạnh: “Việc chính quyền phải công khai rộng rãi những loại thông tin như vậy sẽ không tái diễn những vấn đề như câu chuyện “Nước mắt Thủ Thiêm”.
“Nước mắt Thủ Thiêm” sẽ khó tái diễn nếu những thông tin liên quan mật thiết đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân mà được công khai
Trước đây, quyền tiếp cận thông tin của người dân cũng được quy định trong một số điều luật nhưng không đầy đủ, không đồng bộ, toàn diện và hệ thống. Còn trong Luật tiếp cận thông tin, người dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin, đòi được biết thông tin mà các cơ quan chức năng, trong thời hạn luật định phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác.
Theo nhận định của Phó Viện trưởng Viện ứng dụng Thông tin và Truyền thông, “quyền được biết” là một trong những quyền cơ bản của con người. Lần đầu tiên, Nhà nước ta bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân bằng một đạo luật, với nội dung khá đầy đủ và tiến bộ, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền con người.
Làm thế nào để sau khi có hiệu lực, Luật sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống? Trả lời băn khoăn này, ông Lê Nghiêm khẳng định: Kể từ sau Hiến pháp 2013, Luật của Việt Nam viết theo phong cách mới, tức là Luật viết rất cụ thể, chi tiết có thể dễ dàng thực hiện mà nhiều khi không cần ban hành thêm các nghị định và thông tư. Luật tiếp cận thông tin có hiệu lực từ ngày 1.7.2018, không phải chờ các nghị định và thông tư hướng dẫn thêm như các luật khung trước đây.
Tuy nhiên, muốn thực hiện được, ông Nghiêm cho rằng, trước tiên, các cơ quan hành chính nhà nước, từ cấp phường xã trở lên phải được tập huấn về việc thực hiện Luật này.
“Tôi được biết, Bộ Tư pháp có kế hoạch tổ chức các cuộc hội thảo và tập huấn, hướng dẫn thực hiện Luật Tiếp cận thông tin. Thứ hai, báo chí và người dân cũng cần biết các quyền tiếp cận thông tin của mình theo quy định của Luật. Vừa qua, kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam PAPI 2017 cho thấy, chưa đến 5% người dân biết đến Luật tiếp cận thông tin. Cho nên, tôi mong muốn, qua kênh báo chí, sẽ có nhiều người dân được biết đến quyền tiếp cận thông tin của mình”, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại chia sẻ.
Việc thực hiện Luật Tiếp cận thông tin là một trách nhiệm to lớn và nặng nề của cơ quan nhà nước các cấp. Họ phải thực hiện một khối lượng công việc khá lớn, lại là công việc khá mới mẻ và cần phải có những điều kiện và nguồn lực cần thiết.
Ông Nghiêm cho biết, tại nước Anh, ngoài việc phải chủ động công khai minh bạch thông tin theo luật định, năm 2016, Chính phủ Anh nhận được 45.000 phiếu yêu cầu cung cấp thông tin của người dân và đây thực sự là một gánh nặng đối với cơ quan Nhà nước. Do đó, đối với Việt Nam, theo đánh giá của ông Lê Nghiêm, từ cấp phường, xã trở lên, việc đáp ứng quyền thông tin của người dân trong thời gian đầu sẽ không tránh khỏi khó khăn, lúng túng, nhưng đó là việc hết sức cần thiết của một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, thể hiện tinh thần công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Làm được điều đó, người dân sẽ tin tưởng hơn vào các cấp chính quyền, sẽ ủng hộ và tham gia tích cực vào các hoạt động quản lý nhà nước và xã hội ./.
Theo Hương Giang (VOV.VN)