Ôn thi vào lớp 10 trường chuyên: Cần vững kiến thức, chắc kỹ năng
Còn mươi ngày nữa sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường chuyên. Trong giai đoạn ôn thi nước rút này, lời khuyên của các thầy cô và các cựu thủ khoa sẽ giúp các thí sinh ôn luyện đạt hiệu quả hơn.
Theo quy định của Sở GD&ĐT, học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường chuyên năm học 2018 - 2019 sẽ làm 4 bài thi, gồm 3 bài các môn không chuyên (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) và 1 bài thi môn chuyên. Kỳ thi sẽ diễn ra trong hai ngày 2 - 3.6.
Dù mong muốn được vào trường chuyên, nhưng các thí sinh không nên đặt nặng để tự tạo áp lực cho mình.
- Trong ảnh: Học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Chu Văn An.
Hệ thống hóa kiến thức, kỹ năng
Cách đây 1 năm, nhờ có chiến lược ôn tập hiệu quả mà Trương Tuyết Hoa - hiện là học sinh lớp 10 chuyên tiếng Anh Trường THPT chuyên Chu Văn An (huyện Hoài Nhơn), đã đạt số điểm đầu vào cao nhất trường. Tuyết Hoa nhớ lại, quãng thời gian này của năm ngoái, em đã hệ thống lại kiến thức ở cả 3 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh rồi liệt kê ra những phần kiến thức mình chưa thật vững vàng, sau đó liên hệ trực tiếp với thầy cô để được giúp đỡ hoàn chỉnh.
“Ở giai đoạn trước, em nắm thật vững kiến thức cơ bản, sau đó tiến hành giải đề dưới sự hướng dẫn của thầy cô, về nhà em tự tìm thêm các dạng đề có những câu hỏi nâng cao để giải. Với mỗi đề đã giải, em cố gắng nắm bắt những điểm nào cần lưu ý để có thể giành số điểm tối đa. Gần đến ngày thi em dành thời gian cho việc hệ thống hóa các kỹ năng làm bài thi”, Tuyết Hoa chia sẻ.
Theo nhiều cựu thủ khoa trường chuyên, giai đoạn này, thí sinh nên dành nhiều thời gian để nâng cao kỹ năng làm bài. Đồng tình với quan điểm này, nhiều thầy cô giáo cho rằng thí sinh càng cố ôm đồm thật nhiều kiến thức, cố gắng học dàn trải trong giai đoạn này thì chỉ sẽ làm “trôi tuột” kiến thức ra khỏi đầu mình mà thôi.
“Chẳng hạn môn Hóa thường nặng về ký hiệu thì các em phải coi kỹ lại các phản ứng, tiếp đó hãy phân loại các dạng bài thường được khai thác cho kỳ thi tuyển sinh vào trường chuyên các năm trước, cả trong và ngoài tỉnh, và nên chú trọng vào những dạng mới như dạng bài tập hóa đồ thị hay dạng bài tập thiên về thực nghiệm. Ở giai đoạn cuối, đừng đi học thêm nhiều mà dành thời gian tự học để làm chín kiến thức của mình”, thầy Nguyễn Văn Bang - giáo viên Hóa Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tư vấn.
Học hỏi những “mẹo” kiếm điểm
Theo các thầy cô giáo, trong một số trường hợp học sinh có kiến thức tốt như nhau thì kỹ năng làm bài sẽ quyết định kết quả thứ hạng. Một số thủ khoa bật mí, với những bài khó không làm được ngay, hãy đọc đi đọc lại đề nhiều lần để nắm chắc giả thuyết, sau đó thử đưa ra nhiều hướng giải quyết khác nhau, nếu thấy hướng nào khả thi thì đi theo.
Riêng với môn tiếng Anh có phần thi nghe, sau khi phát đề, giám thị sẽ cho thí sinh từ 3 - 5 phút để chuẩn bị làm phần nghe đầu tiên. Thế nhưng trên thực tế, rất nhiều học sinh khi cầm đề trên tay là nhìn ngay vào bài luận xem người ta yêu cầu viết về vấn đề gì. “Đó là một sai lầm bởi thí sinh sẽ không có nhiều thời gian nghiên cứu phần nghe. Năm ngoái, khi cầm đề trên tay, em đã tập trung ngay vào phần nghe bởi nghĩ mình còn nhiều thời gian cho những phần còn lại”, Tuyết Hoa mách.
Nhiều năm chấm thi, thầy Đào Xuân Luyện, giáo viên dạy Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn lưu ý, trong đáp án các môn thi, người ta luôn cho điểm từng bước giải. “Thí sinh phải làm bài theo từng bước, như vậy mới lấy đủ số điểm, bỏ qua cho dù kết quả cuối cùng đúng cũng sẽ không có được điểm trọn vẹn”, thầy Luyện nhắc.
***
Rất lo lắng là tâm trạng chung của đa số học sinh lớp 9 đăng ký thi vào trường chuyên. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là kỳ thi dành cho những học sinh giỏi và có tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, theo các cựu thủ khoa, trước khi vào phòng thi, hãy tìm cách “gỡ” hết áp lực ra khỏi mình. “Muốn được như vậy thì vào vài ba ngày cuối, nên dành thời gian nghỉ ngơi, giải trí; tạo được tâm lý thoải mái, sức khỏe dồi dào, tinh thần minh mẫn”, Nguyễn Phương Thùy, học sinh lớp 10 chuyên Toán Trường THPT chuyên Chu Văn An chia sẻ.
NGỌC TÚ