“Quy Ninh” và “Quy thành”
Trong tiến trình lịch sử hơn 400 năm của mình (từ năm 1602 với sự kiện chúa Nguyễn Hoàng đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn), Quy Nhơn còn có một số tên gọi khác. Trong đó, có hai tên gọi mang thành tố “quy” là “Quy Ninh” và “Quy thành”.
1. Về địa danh “Quy Ninh”. Ðây là một tên gọi cũ của Quy Nhơn ra đời năm 1651, gắn với sự kiện chúa Nguyễn Phúc Tần cho đổi Quy Nhơn thành Quy Ninh. Ðến năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lấy lại tên cũ Quy Nhơn. Như vậy, địa danh Quy Ninh tồn tại trong 91 năm. Từ năm 1742 về sau, địa danh này chỉ còn được nhắc đến trong sử sách.
“Quy Ninh” có nghĩa là gì? Trong tiếng Hán, “quy ninh” mang hàm nghĩa là “con gái ở nhà chồng về thăm cha mẹ” (quy: về; ninh: thăm hỏi, vấn an). Tuy nhiên, địa danh “Quy Ninh” lại mang nghĩa khác. Ðó là hàm nghĩa chỉ “[nơi] yên ổn được tụ về” (ninh với nghĩa “yên ổn”, “an ninh”). Cơ sở để ta khẳng định điều này là chủ trương trị nước của các triều đại phong kiến Việt Nam gửi gắm vào việc đặt tên các vùng đất mới. Cũng như “Hội An” (nơi yên ổn hội về), “Tư Nghĩa” (nghĩ về điều nghĩa), “Mộ Ðức” (yêu mến điều đức), “Hoài Nhơn” (nhớ về điều nhân), “Quy Nhơn” (nơi điều nhân quy về), “Nhơn Hội” (nơi điều nhân hội về), “Quy Hòa” (nơi điều thuận hòa quy về), “Tuy An” (yên ổn được kéo dài)…, “Quy Ninh”, trong hệ thống này, nói lên một phần chủ trương “nhân trị”, “đức trị” cùng lý tưởng về một cuộc sống “yên ổn” của các chính quyền phong kiến nước ta.
2. Về địa danh “Quy thành”. Ðây là một cách gọi mới, xuất hiện chủ yếu trong ngôn ngữ đời sống. “Quy thành” là cách viết tắt theo ngữ pháp tiếng Hán của cụm từ “thành Quy [Nhơn]”. Tuy nhiên, yếu tố “thành” trong cụm “Quy thành” hiện nay phải được hiểu là “thành phố” (còn ngày xưa, là “thành” được dùng với nghĩa trong “phủ thành”, “ngôi thành”; như “Loa thành” nghĩa là “ngôi thành [hình trôn] ốc”). Một số thành phố ở nước ta hiện nay cũng được gọi tắt theo kiểu này. Chẳng hạn, “Hà thành” tức “thành phố Hà Nội”, “Sài thành” tức “thành phố Sài Gòn”…
ThS. PHẠM TUẤN VŨ