Tiếp tục đề xuất đấu giá biển số xe
* Đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống phản bội Tổ quốc
Trong phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 25.5 về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) tiếp tục theo đuổi vấn đề đấu giá biển số xe được ông đặt ra tại nhiều kỳ họp trước.
Ông Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, thời gian qua, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn luật đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các chính sách. Điển hình là trường hợp của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã được Quốc hội khóa 14 thông qua năm 2017, trong đó có nội dung quy định kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước là tài sản công, trong đó có biển số xe.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh.
Ông Cảnh từng trình bày trước Quốc hội nếu sớm triển khai đấu giá biển số xe ôtô thì hàng năm ngân sách sẽ thu về khoảng 5 ngàn tỉ đồng từ việc đấu giá hơn 12% số biển số đẹp được sắp xếp có quy tắc, biển số được nhiều người ưu thích và hơn 60% số biển số theo yêu cầu của người dân trong tổng kho số.
Tuy nhiên, khi xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn đấu giá biển số, có ý kiến đề xuất chỉ đấu giá các biển số có 3, 4, 5 chữ số giống nhau, biển số tiến và biển số do người dân có nhu cầu tự chọn (khác 4 nhóm trên) - chỉ chiếm chưa đến 1% tổng kho số. Bên cạnh đó, còn có đề xuất không cho phép người có biển số thông qua đấu giá được tiếp tục sử dụng cho chiếc xe tiếp theo của mình.
Từ hơn 12% biển số xe đẹp khi đề xuất ban hành Luật, đến dự thảo Nghị định thì đề xuất còn chưa tới 1%. Đề xuất khi ban hành Luật còn cho phép người sử dụng ôtô có biển số xe qua đấu giá được tiếp tục sử dụng cho xe ôtô tiếp theo của mình, qua đó có thể thu về bình quân vài chục triệu đồng cho mỗi biển số. Thế nhưng, đến đề xuất trong dự thảo Nghị định chỉ có thể thu về vài triệu đồng, bởi không cho người dân quyền tiếp tục được giữ biển số cho chiếc xe tiếp theo. Nếu thực hiện theo Nghị định, sẽ có nhiều người không trả tiền để có biển số theo ngày sinh, vì họ không muốn sau này khi bán xe thì phải bán luôn cả biển số.
“Từ một chính sách ĐBQH đề xuất đưa vào Luật có thể thu về hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm, khi cụ thể hóa bằng các văn bản dưới luật chỉ có thể thu được vài chục tỉ đồng cho thấy có sự lãng phí trong quá trình triển khai Luật vào cuộc sống”, ông Cảnh nói.
Cũng trong phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu điều 44 Hiến pháp 2013 quy định “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”; tuy nhiên Quốc hội cũng chưa có kế hoạch để xây dựng Luật Phòng, chống phản bội Tổ quốc để mọi người nhận diện đâu là đối tượng phản bội Tổ quốc. “Có Luật này để tạo điều kiện cho người dân, các cá nhân, tổ chức thể hiện lòng yêu nước; tham gia bảo vệ, xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo đúng Hiến pháp và pháp luật”, ông Cảnh phân tích.
MAI LÂM