Thiên tính, phật tính, uyển ngữ của tự nhiên
Một buổi sáng trước rằm tháng Tư, tôi đến hai ngôi chùa, là vì có cơ duyên mà được đến.
Điểm thứ nhất trong hành trình của chúng tôi là chùa Long Hòa. Chúng tôi đến đúng lúc Hòa thượng Thích Giác Trí, viện chủ Tổ đình Long Hòa vừa từ vườn chùa trở về, trên vai vác một bụi mì rất sai củ. Hòa thượng đã ngoài chín mươi tuổi, nhưng tinh thần minh mẫn, cử chỉ nhanh nhẹn. Từ xa ông đã nhìn thấy chúng tôi, hoan hỷ niệm Phật hiệu thay lời chào. Hòa thượng chuyển bụi mì cho một sư trẻ rồi đi rửa tay, khoan thai bước về phòng thay áo tiếp khách.
Học võ trong vườn chùa.
Trong lúc chờ đợi, chúng tôi dạo sân chùa. Bên gốc cây có một chú khỉ xám, sau khi ăn hết chỗ mận và khoai của mấy người trong đoàn đưa cho, nó chạy tới chạy lui, vươn tay cấu vào chân tôi một cái đau điếng. Người phụ nữ quét chùa nhắc chúng tôi cẩn thận. “Nó hung lắm đó, vì nó hung nên người ta mới đưa nó về chùa để sửa tính cho nó”.
Đây không phải là lần đầu tôi nghe nói về sự hóa giải thiên tính bằng phật tính, lấy kinh kệ chay tịnh khắc chế bản năng, khai mở tâm không. Chú khỉ xám hung dữ được gửi về chùa với hy vọng “đem rừng ra khỏi khỉ”. Ở một nơi không bị tấn công, không bị đói khát, được tương thông che chở từ bi thì đá cũng sẽ biết nghe nhạc, phương chi một dã thú. Theo truyền ngôn dân gian Bình Định, xưa kia có một con cọp bạch đêm đêm về chùa Thập Tháp quỳ mọp nghe kinh, trước khi trút kiếp đã hiện thành ông già áo trắng báo mộng cho hòa thượng. Câu chuyện ấy dù là huyền thoại hay là hiện thực, thì ngôi mộ Bạch hổ nghi ngút khói hương sau vườn chùa vẫn là dấu tích vật chất để tâm linh nương tựa.
Những chú khỉ thân thiện với người
Hầu hết chùa Phật đều có không gian rộng và nhiều bóng cây. Hình như những bóng cây lâu năm nghiêng xuống những lớp nhà in đậm phong cách Á Đông, là một gắn kết mặc định, không chỉ để thu dưỡng khí thiên nhiên, điều tiết ánh sáng và nhiệt độ hợp lý cho chùa, mà còn giúp con người trút bỏ náo nhiệt bên ngoài, lắng lọc tâm thân. Trên cái nền thanh tịnh, hương cây quyện với hương trầm ấy, người ta tự thấy mình nên bước nhẹ, nói khẽ. Tiếng chuông mõ, tiếng tụng niệm theo thời khắc lịch định sẽ từ từ thâm nhập vào khách thể, gột rửa, cảm hóa và siêu thoát.
Rời chùa Long Hòa, chúng tôi đi thăm chùa Đại Viên. Sau khi dâng hương, câu chuyện đàm đạo giữa sư thầy trú trì và những người đồng hành cùng tôi diễn ra bên tách trà. Lễ nghĩa, thế sự, luân hồi, nhân quả... mạch chuyện tự nhiên như nước chảy. Tôi là người chưa đại ngộ nên không dám dự bàn, ngồi một lúc bên hiên, nghe gió mách bằng hương rằng ngoài kia nắng đang thơm, ngoài kia hoa đang đợi. Tôi rón rén đứng lên để không phá hỏng câu chuyện giữa những người cao quý, nào hay vẫn bị đóa bạch lan treo bên hiên lãm hoa phát hiện, khẽ khàng chạm lên vai. Mỉm cười nhìn qua những nhánh hoa gầy, thấy hòa thượng vẫn say sưa luận về chữ phúc. Bàn tay ngài đưa lên như một uyển ngữ. Tôi vội chớp lấy khoảnh khắc ấy, tiếc rằng, hình ảnh được ghi bằng chiếc điện thoại đời Nguyễn Nhạc buôn trầu của tôi không chuyển tải nổi sự sống động đáng có.
Ngoài sân, nắng đang là nắng xích đạo mặc dù mới bắt đầu mùa hè. Tháng Tư, hoa mai đã mất dấu trên cành. Tháng Tư, sen đã nở hồng bên tà áo Quan Âm. Sen thì hồng, mà tà áo Quan Âm thì trắng. Nơi Quan Âm ngự, nắng màu ngọc bích, xanh và trong, bát ngát tỏa lên từ những vầng lá hiền lành.
Một chiếc lá sen lay nhẹ, ánh sáng nhu mì dưới gót Phật cũng xao động như một hồi âm. Trên đầu nắng vẫn chói chang, nhưng trường không gian này hòa dịu như được cất lọc từ một phép màu.
Trưa rồi. Dưới chân mình là cái bóng, mình đi thì bóng theo đi.
Tùy bút – Trần Thị Huyền Trang