TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Ðấu giá biển số xe “đẹp” để tăng thu ngân sách
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận tại Quốc hội sáng 25.5 về tình hình KT-XH và ngân sách, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Ðoàn Bình Ðịnh) tiếp tục theo đuổi vấn đề đấu giá biển số xe mà ông từng đặt ra. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Cảnh xung quanh vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu tại phiên thảo luận ngày 25.5.
* Đây không phải lần đầu ông đề cập đến chuyện đấu giá biển số xe “đẹp” để tránh lãng phí, lại có thêm nguồn thu cho ngân sách. Ông có thể chia sẻ lý do tiếp tục đưa vấn đề này ra diễn đàn Quốc hội?
- Tôi từng trình bày trước Quốc hội nếu sớm triển khai đấu giá biển số ô tô thì hàng năm ngân sách sẽ thu về khoảng 5.000 tỉ đồng từ việc đấu giá hơn 12% số biển số đẹp được sắp xếp có quy tắc, biển số được nhiều người ưu thích và hơn 60% số biển số theo yêu cầu của người dân trong tổng kho số.
Tuy nhiên, khi xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn đấu giá biển số, có ý kiến đề xuất chỉ đấu giá các biển số có 3, 4, 5 chữ số giống nhau, biển số tiến và biển số do người dân có nhu cầu tự chọn (khác 4 nhóm trên) - chỉ chiếm chưa đến 1% tổng kho số. Bên cạnh đó, còn có đề xuất không cho phép người có biển số thông qua đấu giá được tiếp tục sử dụng cho chiếc xe tiếp theo của mình.
Từ hơn 12% biển số xe đẹp khi đề xuất ban hành Luật Sử dụng, quản lý tài sản công, đến dự thảo Nghị định hướng dẫn đấu giá biển số thì đề xuất còn chưa tới 1%. Đề xuất khi ban hành Luật còn cho phép người sử dụng ô tô có biển số xe qua đấu giá được tiếp tục sử dụng cho xe ô tô tiếp theo của mình, qua đó có thể thu về bình quân vài chục triệu đồng cho mỗi biển số. Thế nhưng, đến đề xuất trong dự thảo Nghị định chỉ có thể thu về vài triệu đồng, bởi không cho người dân quyền tiếp tục được giữ biển số cho chiếc xe tiếp theo. Nếu Nghị định được ban hành theo hướng này, sẽ có nhiều người không trả tiền để có biển số theo ngày sinh, vì họ không muốn sau này khi bán xe thì phải bán luôn cả biển số.
Từ một chính sách ĐBQH đề xuất đưa vào Luật có thể thu về hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm, khi cụ thể hóa bằng các văn bản dưới Luật chỉ có thể thu được vài chục tỉ đồng cho thấy có sự lãng phí trong quá trình triển khai Luật vào cuộc sống. Do đó, tôi mới tiếp tục lên tiếng.
* Thế nhưng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) lại cho rằng biển số là một công cụ quản lý của Nhà nước, tuy có thể đấu giá được tiền nhưng không nên đem ra đấu giá và nhiều nước cũng không cho phép đấu giá biển số xe. Quan điểm của ông thế nào trước ý kiến này?
- Trên thực tế, cần biển số đẹp, số theo ngày sinh, ngày đặc biệt đối với người sử dụng ô tô là nhu cầu có thật, đã được các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện khảo sát, khẳng định. Quốc hội khóa XIV cũng đã thông qua Luật Sử dụng, quản lý tài sản công vào năm 2017. Luật quy định kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước là tài sản công, trong đó có biển số xe. Đây là căn cứ để Chính phủ xây dựng Nghị định hướng dẫn đấu giá biển số xe, và thực tế Chính phủ đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định này.
Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, tôi nghĩ đây cũng là một nội dung mà cơ quan xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sử dụng, quản lý tài sản công cần quan tâm để chính sách ban hành bao quát được nhiều khía cạnh, tăng tính hiệu lực và hiệu quả.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)
Đề xuất xây dựng Luật Phòng, chống phản bội Tổ quốc
Cũng trong phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu điều 44 Hiến pháp 2013 quy định “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”; tuy nhiên Quốc hội vẫn chưa có kế hoạch xây dựng Luật Phòng, chống phản bội Tổ quốc để mọi người nhận diện đâu là đối tượng phản bội Tổ quốc. “Có Luật này để tạo điều kiện cho người dân, các cá nhân, tổ chức thể hiện lòng yêu nước; tham gia bảo vệ, xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo đúng Hiến pháp và pháp luật”, ông Cảnh phân tích.
Truy trách nhiệm vì giải ngân chậm
Tại phiên thảo luận tổ vào sáng 22.5, Trưởng Ðoàn ÐBQH tỉnh Bình Ðịnh Lê Kim Toàn đã có ý kiến quan trọng về đầu tư công chưa hiệu quả, thể hiện ở việc giải ngân chậm trong khi nhu cầu đầu tư cao, vốn đầu tư công lại hạn chế; đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương giám sát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tham gia phiên thảo luận có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - thành viên Ðoàn ÐBQH TP Hải Phòng. Ngay sau đó, Thủ tướng đã giao Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ chủ trì cuộc họp về giải ngân vốn đầu tư của 3 bộ: Y tế, GD&ÐT, VH-TT&DL.
Tại cuộc họp tổ chức ngày 24.5, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ bức xúc trước nghịch lý “chỗ có vốn thì tắc tịt không giải ngân được, chỗ cần tiền thì không có để tiêu”. Do đó, phải nói rõ trách nhiệm của bộ chủ quản như thế nào, bộ trưởng, thứ trưởng, ban quản lý dự án và cá nhân nào chịu trách nhiệm... “Phải làm cho rõ, làm đến cùng trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nói.
Năm 2018, Bộ Y tế phải giải ngân 5.260 tỉ đồng; Bộ VH-TT&DL là 337 tỉ đồng; Bộ GD&ÐT là hơn 1.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4, tỉ lệ giải ngân của 3 bộ lần lượt chỉ đạt 1,36%, 6,28% và 17%. Về phần vốn nước ngoài, cả 3 bộ chưa giải ngân được đồng nào.