VI PHẠM HÀNH LANG AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT:
Cần phối hợp đồng bộ, xử lý kiên quyết
Hiện nay, việc lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm tình trạng này lại gặp không ít khó khăn, khiến giao thông đường sắt luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Hiện trường công trình xây dựng kiên cố vi phạm an toàn hành lang đường sắt tại km 1099+805 đến km 1099+865 (thôn Bình An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước).
Vi phạm tràn lan
Theo quy định của Luật Đường sắt, chiều rộng phạm vi giới hạn hành lang ATGT đường sắt được tính từ mép chân nền đường đắp trở ra mỗi bên là 15 m. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh có khoảng 254 điểm vi phạm an toàn hành lang đường sắt, đặc biệt có những điểm bị xâm phạm nghiêm trọng.
Đơn cử, tại lý trình km 1099+805 đến km 1099+865 (thuộc thôn Bình An 1, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước), có ngôi nhà xây dựng kiên cố chỉ cách mép chân đường đắp 9,6 m (tức vi phạm vào hành lang an toàn gần 6 m) và kéo dài gần 60 m. Đáng nói, trong quá trình chủ công trình tiến hành xây dựng và có vi phạm, Đội quản lý đường sắt Vân Canh và Đội CSGT đường sắt, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC 67), CA tỉnh đã gửi kiến nghị nhiều lần về việc dừng và tháo dỡ phần diện tích vi phạm, nhưng kiến nghị không được thực hiện. Trung tá Đỗ Thanh Bình, Đội trưởng Đội CSGT đường sắt, cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu cho cấp trên và đến ngày 27.3.2018, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành lang ATGT đường sắt với mức phạt trên 77 triệu đồng và buộc tháo dỡ công trình, thời gian thi hành quyết định 10 ngày. Tuy nhiên, đến ngày 24.5.2018, người vi phạm chỉ thi hành quyết định xử phạt hành chính, còn việc tự giác tháo dỡ công trình vi phạm vẫn chưa thực hiện”.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Trung Hòa, cán bộ địa chính xã Phước Thành, cũng thừa nhận có thiếu sót trong quá trình giám sát, kiểm tra công trình vi phạm này. “Theo hồ sơ xin thuê đất, thì tại thời điểm đó công trình này chưa có giấy phép xây dựng, nên chúng tôi không tiến hành đo đạc cắm mốc lại. Khi phát hiện sai, chúng tôi đã kiểm tra và liên hệ với chủ đất để giải quyết, nhưng chủ đất là ông Nguyễn Đình Phương không hợp tác”.
Tương tự, tại km 1043-1044 (xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ) có khoảng 900 m2 đất nằm trong phạm vi an toàn đường sắt bị lấn chiếm để làm đường bê tông phục vụ nhu cầu đi lại cho khoảng 70 hộ dân sinh sống gần khu vực này. Hay như tại km 1015+605 (xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn) cũng có một công trình xây dựng kiên cố trên phạm vi phần đất của đường sắt, lực lượng chức năng đã nhiều lần gửi văn bản xử phạt nhưng người vi phạm không chấp hành.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa bàn tỉnh dài gần 150 km, và tình trạng vi phạm hành lang an toàn diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân trước hết là do ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, không ý thức được hết những hệ lụy khôn lường do hành vi vi phạm của mình. Thứ đến, chính quyền địa phương một số nơi còn buông lỏng công tác quản lý, thiếu sự phối hợp với ngành đường sắt, lực lượng CSGT và còn đứng ngoài cuộc trong vấn đề đảm bảo an toàn hành lang đường sắt.
Trung tá Đỗ Thanh Bình cho biết: “Hiện chúng tôi đã dẹp bỏ hàng trăm điểm vi phạm hành lang an toàn đường sắt; nhưng đối với một số công trình kiên cố, chúng tôi gặp không ít khó khăn do sự bất hợp tác của người vi phạm và sự vào cuộc thiếu tích cực của chính quyền địa phương. Để hạn chế tình trạng này, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, xác định lại tính chất từng vụ việc vi phạm để có hướng giải quyết cụ thể”.
Có thể nói, TNGT đường sắt thường gây ra hậu quả rất nặng nề. Như vụ TNGT đường sắt xảy ra tại km 234+050 (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 24.5.2018 vừa qua khiến 11 người thương vong, 6 toa tàu bị trật bánh khỏi đường sắt. Đáng nói, địa điểm xảy ra vụ tai nạn thảm khốc trên lại là đường ngang hợp pháp có gác chắn. Vậy nên, việc tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác không gian trong phạm vi đất dành cho đường bộ, đường sắt, và những vi phạm quy định về bảo đảm ATGT đường sắt, kết hợp với công tác tuyên truyền, sẽ là những giải pháp góp phần hạn chế vi phạm hành lang ATGT đường sắt trong thời gian tới. Tuy nhiên, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong quản lý, xử lý vi phạm ngay từ đầu.
KIỀU ANH