“Mắt xanh” là gì?
Trong tiếng Việt, từ “mắt xanh” thường được dùng với hai nét nghĩa là: 1. “cái nhìn phát hiện người tài” (như trong cách nói “ông ấy là người có mắt xanh, đã phát hiện và nâng đỡ nhiều nhà khoa học trẻ”) và 2. “cái nhìn của phụ nữ đối với nam giới [trong việc chọn người yêu]” (như trong câu nói của Từ Hải với Thúy Kiều “Bấy lâu nghe tiếng má đào/ Mắt xanh chẳng để ai vào có không”).
Nét nghĩa thứ hai phái sinh từ nét nghĩa thứ nhất và cả hai đều bắt nguồn từ một điển tích hàm chứa bên trong hai chữ “thanh nhãn” mà khi tiếp nhận, người Việt đã đối dịch thành “mắt xanh”. Điển tích kể rằng: Đời nhà Tấn bên Tàu có ông Nguyễn Tịch (210 - 263) là một trong 7 thành viên của “Trúc Lâm thất hiền”. Nguyễn là người tính tình phóng khoáng, giỏi văn chương, thích tiêu dao, ưa đàn và rượu. Đặc biệt, ông có một kiểu tiếp khách rất lạ lùng. Đối với khách là hiền nhân, quân tử mà mình vừa lòng thì ông nhìn thẳng bằng tròng mắt xanh (nhìn thẳng, tròng đen nằm chính giữa nên trong mắt có màu xanh). Còn đối với kẻ tầm thường, tiểu nhân đáng khinh bỉ thì ông nhìn bằng tròng trắng.
Ban đầu, điển “mắt xanh” được dùng để chỉ “thái độ vừa lòng”. Đi vào văn chương, điển này dần được dùng với nghĩa cái nhìn “biệt nhỡn liên tài” [con mắt đặc biệt biết thương tài - chữ của Nguyễn Tuân], tức cái nhìn “phát hiện và trân trọng những tài năng còn chưa phát lộ”.
Trong đời sống, không ít người đã thành danh nhờ “con mắt xanh” của người đi trước. Ví như, nếu không có “con mắt xanh” của Vũ Bằng, có thể Nam Cao và Tô Hoài đã bị văn học lãng quên. (Khi về coi quản 3 tờ Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san và Truyền bá của nhà Tân Dân, Vũ Bằng nâng đỡ, cho đăng nhiều tác phẩm của Nam Cao và Tô Hoài là 2 nhà văn trẻ chưa được biết đến lúc bấy giờ. Nhờ đó, Nam Cao và Tô Hoài nhanh chóng trở nên nổi tiếng).
Khi vào tiếng Việt, điển “thanh nhãn” đã được Việt hóa hoàn toàn thành “mắt xanh”. Và ngày nay, nó cũng đánh mất luôn tư cách điển cố để trở thành một từ bình thường (được ghi nhận trong nhiều cuốn từ điển tiếng Việt). Người Việt có thể dùng đúng từ “mắt xanh” mà không cần phải bận tâm đến tích truyện xưa cũ bên trong đó. Đây là một điều đáng trân trọng trong quá trình tiếp nhận, sáng tạo và sử dụng điển cố gốc Hán của người Việt.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ