Bộ Tài chính cần đánh giá đầy đủ trách nhiệm chấp hành, kỷ cương, kỷ luật về tài chính
Đó là ý kiến của ĐB Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 26.5 về dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà (NSNN) năm 2017 và dự toán NSNN năm 2018.
ĐBQH Nguyễn Hữu Đức (Bình Định) phát biểu trong 1 buổi thảo luận tổ
Về phân chia khoản thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước năm 2017, theo Tờ trình của Chính phủ, trong 4 tháng cuối năm 2017 đã phát sinh số thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước khoảng 50 tỉ đồng ở 14 địa phương, chưa được tính trong dự toán NSNN năm 2017.
Do đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện như nguyên tắc phân chia số thu phát sinh trong dự toán NSNN năm 2018 Quốc hội đã quyết định.
Theo đó, trường hợp giấy phép do cơ quan trung ương cấp, thì phân chia 70% số thu cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương. Trường hợp giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, thì phân chia 100% cho ngân sách địa phương.
Theo ĐB Nguyễn Hữu Đức, đây là khoản thu của Nhà nước gắn với thẩm quyền của từng cấp ở Trung ương và địa phương theo quy định Luật Tài nguyên nước.
Về nguyên tắc, thì mọi khoản thu đều được phản ánh vào NSNN theo quy định của Hiến pháp và Luật NSNN. Để hướng dẫn Luật Tài nguyên nước, Chính phủ ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28.11.2013, trong đó quy định phương thức nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Hơn 4 năm sau (năm 2017), Chính phủ mới ban hành Nghị định 82/2017/NĐ-CP ngày 17.7.2017 để thay thế, quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mà chưa có quy định phân chia khoản thu này.
Từ cách đặt vấn đề nêu trên, ĐB Nguyễn Hữu Đức đặt câu hỏi: “Từ năm 2013 đến 2016 có hay không phát sinh nguồn thu này? Nếu không phát sinh nguồn thu do bảo vệ, giữ gìn nguồn tài nguyên nước ngày càng hạn hẹp thì thật đáng quý. Song thực tế có như vậy không, đề nghị cũng cần làm rõ. Đây là sự chậm trễ đáng tiếc dẫn đến phải xử lý tình huống này, rất cần rút kinh nghiệm”.
Theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết xử lý vấn đề nêu trên theo hướng áp dụng như dự toán NSNN 2018. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Hữu Đức băn khoăn cho rằng đây là Nghị quyết xử lý trường hợp cụ thể hay là Nghị quyết có tính quy phạm để hướng dẫn tỷ lệ phân chia nguồn thu ngân sách Trung ương, địa phương, trong khi chưa có hướng dẫn đầy đủ quy định này và điều quan trọng hơn là cần rà soát để phản ánh kịp thời, vừa đúng, vừa đủ nguồn thu khi phát sinh vào NSNN.
Về xử lý nghĩa vụ của NSNN đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội liên quan đến khoản đóng BHXH cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực Nhà nước trước ngày 1.1.1995, nghĩa vụ nợ của NSNN đối với quỹ BHXH được xác định theo Điều 139 của Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29.6.2006, trong đó quy định hàng năm Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc để đóng bảo hiểm xã hội cho thời gian làm việc trước ngày 1.1.1995 đối với người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày1.1.1995.
Chính phủ đã báo cáo UBTVQH tổng số nợ là 22.090 tỉ đồng. Tại Điều 1 của Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 ngày 16.12.2015 của UBTVQH quy định: “Giao Chính phủ thực hiện việc chuyển kinh phí từ ngân sách nhà nước hằng năm vào quỹ bảo hiểm xã hội để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và hoàn thành vào năm 2020”. Tuy nhiên, đến nay, dự toán NSNN chưa bố trí để xử lý khoản nợ 22.090 tỉ đồng nêu trên.
Để xử lý dứt điểm vấn đề này, Chính phủ trình phương án trả nợ 22.090 tỉ đồng theo hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc trong đó: năm 2018 khoảng 6.000 tỷ đồng, năm 2019 khoảng 7.000 tỉ đồng và năm 2020 khoảng 9.090 tỉ đồng. Đồng thời, tính lãi đối với khoản nợ này từ ngày 1.1.2016.
Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Hữu Đức cho rằng: Nghị quyết số 49/2017/NQ-QH14 ngày 13.11.2017 của Quốc hội về Dự toán NSNN năm 2018 cho phép “tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2018 không quá 50.000 tỷ đồng, bao gồm cả số chuyển nguồn trái phiếu Chính phủ sang năm 2018 (nếu có) để đầu tư cho các dự án đủ thủ tục đầu tư theo quy định.”
Như vậy, “tuy QH khống chế mức trần phát hành trái phiếu, song nếu theo phương án phát hành trái phiếu nhận nợ thì năm 2018 sẽ phát hành 6000 tỷ đồng ngoài kế hoạch, như vậy có vi phạm Nghị quyết không. Nếu không thì có thể phải điều chính cắt giảm dự án khác và như vậy có ảnh hưởng đến thực hiện kế hoạch đầu tư năm 2018 hay không”?
Về lãi phát sinh đối với khoản nợ Quỹ bảo hiểm xã hội, ĐB Nguyễn Hữu Đức đề nghị tính lãi từ thời điểm phát hành trái phiếu Chính phủ nhận nợ để bảo đảm tính minh bạch, hợp lý.
Sỹ Nguyên