Nhân ái “đơm hoa” từ cửa Phật
Những năm qua, cộng đồng Phật giáo trong tỉnh luôn giao thoa với cuộc đời, gắn bó bền chặt với những nỗi đau khổ của đồng bào, góp phần tạo dựng cuộc sống ý nghĩa.
“Vất vả” là “niềm vui”
Hơn 10 năm tiếp nhận những đứa trẻ mồ côi, Niệm Phật đường Mỹ Hóa (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) trở thành điểm tựa, mái nhà cho 30 đứa trẻ thiếu vắng tình thương. Đảm đương chuyện chăm sóc, nuôi dưỡng, tạo điều kiện đi học cho 30 đứa trẻ vốn không phải là việc dễ dàng. Thế nhưng qua lời chia sẻ của Sư cô Thích Nữ Minh Tâm, trụ trì Niệm Phật đường, mọi khó khăn, vất vả lại nhẹ hẫng như mây trời; rằng: “Đều là những vất vả vì tương lai tốt đẹp hơn của các con, nên mình lấy vất vả đó làm niềm vui”.
Các cháu nhỏ từ 3 đến 5 tuổi quây quần bên sư cô Thích Nữ Minh Tâm.
Đã có nhiều người biết và quan tâm, ủng hộ cho Niệm Phật đường Mỹ Hóa. Ngoài sư cô Minh Tâm, có 5 đồng bào phật tử đồng hành, chăm sóc cho các bé. Hai năm gần đây, vì số lượng trẻ từ 3 đến 5 tuổi đông hơn, việc chở các cháu đi học mẫu giáo ngoài cộng đồng khá vất vả, Sư cô Thích Nữ Minh Tâm đã mở lớp mầm non ngay tại chùa. Nhờ vào sự đóng góp của nhiều nơi, lớp học tương đối đầy đủ các vật dụng trang trí, thiết bị và đồ dùng dạy học.
Chị Trần Thị Nương (27 tuổi, ở thôn Hòa Hội, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát), cô giáo đầu tiên đến với lớp mầm non của Niệm Phật đường cho biết: “Trước đó, tôi đang dạy hợp đồng ở Trường Mẫu giáo Cát Sơn. Vào hè, khi nghe sư cô tìm giáo viên cho lớp, tôi nhận lời đến dạy trong hè. Rồi thấy thương những đứa trẻ, tôi xin nghỉ ở trường, về dạy tại đây. Mỗi tháng, sư cô đều gửi tiền hỗ trợ cho giáo viên và số tiền thường không cố định bởi phụ thuộc vào nguồn vận động của sư cô. Dù chưa có chế độ BHYT, BHXH nhưng mình vẫn gắn bó vì quá quyến luyến”.
Cũng thu hút được sự tham gia đồng hành, chung tay của các cá nhân giàu lòng nhân ái, chùa Tường Quang (TP Quy Nhơn) duy trì bếp cơm chay 2.000 đồng/suất vào các ngày cuối tuần hơn 3 năm qua. Thêm vào đó, nhà chùa còn cùng với đồng bào phật tử hiện là bác sĩ, nhân viên điều dưỡng tại các bệnh viện trên địa bàn TP Quy Nhơn thực hiện nhiều chuyến khám bệnh, cấp thuốc cho bà con vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2017 đến đầu năm 2018, đã có 6 chuyến khám bệnh từ thiện như vậy.
Không xây dựng được một bếp cơm tại chùa như chùa Tường Quang nhưng các nhà chùa khác trên địa bàn tỉnh đang đóng góp tích cực cho các bếp ăn tình thương. Chùa Thường Quang (xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) duy trì việc cấp phát cháo vào thứ Ba hàng tuần tại TTYT huyện Hoài Ân từ năm 2010 đến nay. Tịnh xá Bửu Quang (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) cũng có 8 năm phát cháo vào ngày rằm và mùng 1 hàng tháng tại TTYT huyện Tuy Phước. Hay như chùa Ni Liên (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) phụ trách nấu 300-400 suất cơm trưa vào rằm hàng tháng cho bệnh nhân nghèo tại BVĐK tỉnh...
Lan tỏa lòng nhân ái
Ngày 25.5, bà Trần Thị Tuyết, Ban quản lý Bếp ăn tình thương BVĐK tỉnh hào hứng khoe rằng chỉ trong nửa đầu tháng 4 âm lịch, các cá nhân, tập thể đã ủng hộ cho bếp hơn 1,7 tấn gạo, chưa kể gas và các thực phẩm khác. Nhờ vào tinh thần “nhập thế” của Phật giáo, sức ảnh hưởng của tư tưởng nhân ái, mọi người rộng mở lòng, cho đi nhiều hơn.
Đồng bào phật tử chùa Phước Sa (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) phát cháo cho bệnh nhân tại BVĐK tỉnh.
Bà Nguyễn Ngọc Linh Đa, nhóm Thiện Tâm Bình Định, cho biết, nhóm đã có kế hoạch vận động để chuẩn bị cho các hoạt động nhân đạo trong tháng 4 âm lịch. Trước đó, nhóm đã vận động hơn 110 triệu đồng từ đêm nhạc gây quỹ. Trước mắt, trong ngày 26 và 27, nhóm sẽ tặng khoảng 200 suất quà cho các cụ già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn ở phường Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn), TX An Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Hoài Nhơn.
Từ năm 2016 đến nay, nhóm cháo Võ Mười và đồng bào phật tử chùa Hiển Nam (đều ở TP Quy Nhơn) cùng phối hợp thực hiện bữa cháo dinh dưỡng vào thứ Sáu hàng tuần cho bệnh nhân nhi tại BVĐK tỉnh. Bà Diệp Thị Mộng Thu (đại diện nhóm cháo Võ Mười) chia sẻ: “Cả hai nhóm đều phối hợp chặt chẽ để có được 150 suất cháo chất lượng cho bệnh nhân nhi mỗi tuần. Các suất cháo này đều được Phòng Công tác xã hội của bệnh viện kiểm tra về an toàn thực phẩm. Thời gian qua, chúng tôi còn được chị Nguyễn Thị Nhung, huấn luyện viên Đội tuyển bắn súng quốc gia tài trợ bột protein để tăng cường dinh dưỡng cho các suất cháo”.
Không phải tự nhiên mà tháng 4 âm lịch, mùa Đại lễ Phật đản, rất nhiều người, dù không phải là đồng bào phật tử, chọn để tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, góp điều tử tế cho đời. Bởi trước hết, tinh thần từ bi của Phật giáo đã thấm đẫm và lan tỏa, khơi gợi những giá trị tốt đẹp trong mỗi người.
NGUYỄN MUỘI