VIỆC TĂNG TUỔI NGHỈ HƯU:
Không nên cào bằng với các đối tượng
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XII) đã chủ trương tăng dần tuổi nghỉ hưu theo lộ trình và giao Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu thực hiện. Bộ LÐ-TB&XH cũng đã trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu, trong đó tuổi nghỉ hưu của nữ được nâng lên 60 và nam là 62. Rất nhiều cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động bày tỏ ý kiến không nên cào bằng việc tăng tuổi nghỉ hưu với các đối tượng.
Phải phù hợp thực tế
Hơn 16 năm làm tại DN gỗ, chị Nguyễn Thị Trí Trang, tổ quản lý chà bo, Công ty TNHH Bình Phú, khu công nghiệp Phú Tài, cho biết rất nhiều công nhân không thể trụ nổi với nghề vì bị bệnh nghề nghiệp, như: đau cột sống, mắt, viêm xoang, đau khớp, ù tai… Công việc của chị Trang cũng như nhiều công nhân làm ở các DN gỗ, may, chế biến thủy sản… trong tỉnh, bắt đầu từ tờ mờ sáng đến 18 giờ. Công nhân làm việc với cường độ cao, môi trường nóng bức, bụi, tiếng ồn… việc tăng tuổi nghỉ hưu là điều khó thể chấp nhận.
Công nhân khối kỹ thuật ở Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định đều mong muốn nghỉ hưu sớm vì áp lực công việc cao.
Đồng quan điểm đó, chị Phạm Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dược- Trang thiết bị y tế Bình Định, cho biết: “Trước khi cổ phần hóa, công ty đã sắp xếp cho công nhân lớn tuổi làm việc trực tiếp nghỉ sớm, một số người sức khỏe còn tốt được chuyển sang làm việc khác nhẹ nhàng hơn như bảo vệ, đóng gói sản phẩm... Sau khi cổ phần hóa, công ty có 300 công nhân trực tiếp đều có chung tâm lý làm việc tới tuổi nghỉ hưu như quy định hiện nay là đã quá sức. Mặt khác, tâm lý chung của các chủ DN không muốn sử dụng lao động lớn tuổi vì thao tác không còn nhanh nhẹn, năng suất lao động giảm, nên cũng sẽ tìm cách đào thải nên cơ hội nhận lương hưu của họ càng khó. Tăng tuổi hưu, có lẽ số lao động mắc bệnh nghề nghiệp sẽ tăng lên”.
“Ðề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xem xét các quy định nghỉ hưu phù hợp với từng đối tượng. Chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu cho những đối tượng quản lý cao cấp, có sức khỏe. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu như đề xuất của Bộ LÐ-TB&XH bị kéo dài sẽ thiệt thòi cho phụ nữ nên các cơ quan chức năng cần nghiên cứu rút ngắn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp hơn. Thiết nghĩ, nên cho người lao động được quyền chọn độ tuổi nghỉ hưu”.
Bà Phạm Thị Thu Hồng, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh
Với những lao động trình độ cao nhưng áp lực công việc lớn như các bác sĩ ở bệnh viện công cũng mong không tăng tuổi nghỉ hưu. Bác sĩ Phạm Châu Duy, Phó Khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh, bày tỏ quan điểm không đồng tình kéo dài thời gian làm việc như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH. Theo bác sĩ Duy, đối với những người có trình độ cao, chuyên môn giỏi được Hội đồng chuyên môn của bệnh viện đánh giá tốt và bản thân có nguyện vọng tiếp tục cống hiến thì có thể đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu. Còn với những bác sĩ khác, họ có quyền được nghỉ trước hoặc đúng thời hạn quy định.
Do đó, các cơ quan chức năng cần công bố những ngành nghề nặng nhọc, độc hại đến độ tuổi nào đó, người lao động không còn phù hợp để làm việc thì có thể nghỉ hưu sớm hơn. Những ngành nghề đòi hỏi lao động chất lượng cao, chuyên gia giỏi thì có thể nâng tuổi nghỉ hưu nhiều hơn cho phù hợp thực tế và nguyện vọng của mỗi lao động.
Cần có lộ trình
Thời gian qua, việc điều chỉnh tuổi hưu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, vì khi triển khai sẽ tác động trực tiếp đến hàng chục triệu người lao động. Dự báo của Tổng cục Thống kê, tới năm 2035, số người bước vào tuổi lao động là hơn 1,5 triệu và tuổi hưu là 1,3 triệu người. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng tới năm 2035, cả nước chỉ có thêm 200 ngàn người bước vào độ tuổi lao động và chỉ bằng 1/5 số người nghỉ hưu. Đây là dấu hiệu rõ ràng của sự già hóa dân số và thiếu hụt lực lượng lao động. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cho biết thêm tuổi nghỉ hưu của lao động hiện nay đã được quy định từ năm 1960, tức là cách đây tới gần 60 năm. Đến nay, tuổi nghỉ hưu của lao động Việt Nam lại thấp nhất trong khu vực với bình quân 54,3 tuổi, trong đó lao động nam là 55,6 tuổi và lao động nữ là 52,6 tuổi.
Đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng bà Phạm Thị Thu Hồng, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, hiện đang là thành viên Hội đồng cố vấn của tỉnh, cho biết: “Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xem xét các quy định nghỉ hưu phù hợp với từng đối tượng. Chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu cho những đối tượng quản lý cao cấp, có sức khỏe. Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH bị kéo dài sẽ thiệt thòi cho phụ nữ nên các cơ quan chức năng cần nghiên cứu rút ngắn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp hơn. Thiết nghĩ, nên cho người lao động được quyền chọn độ tuổi nghỉ hưu”.
Hiện nay, các nước có điều kiện tương đồng như Việt Nam có tuổi nghỉ hưu bằng hoặc thấp hơn chúng ta, như: Trung Quốc (60-55 tuổi), Indonesia (55 tuổi), Malaysia (55 tuổi), Thái Lan (55 tuổi)… Do đó, đa số các ý kiến của người lao động cho rằng không nên nâng tuổi nghỉ hưu với người lao động trực tiếp sản xuất, dịch vụ. Còn đối với khu vực hành chính sự nghiệp có thể xem xét để nâng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có lộ trình tăng thích hợp để giảm thiểu ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm cho nhóm lao động trẻ. Đối với cán bộ quản lý hoặc những người có học hàm, học vị, có thể được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng phải thôi làm công tác quản lý thì mới hợp lý. Ngoài ra, khi tăng tuổi nghỉ hưu, cần một số giải pháp, chính sách để giảm tác động như: tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận; có lộ trình tăng dần để giảm tác động tới tâm lý và thị trường lao động; cần có cơ chế đánh giá năng lực cán bộ khu vực nhà nước để loại bỏ những người có năng lực thấp...
HẢI YẾN