Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thầy trò tự chọn môn dạy và học
Thông tin từ Bộ GD&ĐT cho hay, thời gian bắt đầu thực hiện chương trình môn học mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học sẽ được áp dụng trên toàn quốc bắt đầu từ năm học 2019-2020.
Chương trình “mở” có thực sự “mở”? Ảnh minh họa
Trong đó, mục tiêu là xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệm, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập. Chính vì vậy, giáo dục phổ thông cũng cần đổi mới theo định hướng mở.
Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa
GS.Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết: “Chương trình mới được xây dựng mang tính mở cho người học là học sinh được tự chọn môn học. Cụ thể, ở một số vùng phát triển học tự chọn học ngoại ngữ ngay từ lớp 1 trong khi chương trình chung là lớp 3 hay học sinh tự chọn học phần như môn thể dục học sinh có thể chọn học thể dục nhịp điệu hay nhảy xa. Bên cạnh đó học sinh cũng được tự chọn nội dung học tập cụ thể (môn Ngữ Văn, học sinh có quyền đề xuất đưa tác phẩm học sinh thích vào giảng dạy).
Chương trình cũng chú trọng tính mở cho địa phương: Các cơ sở giáo dục được chủ động triển khai chương trình giáo dục. Đây là lần đầu tiên trong nền giáo dục ở Việt Nam không quy định số tiết trong 1 tuần như chương trình hiện nay mà chỉ quy định số tiết học, phần học trong cả một năm. Một tuần dạy và học bao nhiêu tiết là do sự chủ động của giáo viên tùy vào điền kiện tiếp thu của học sinh để đạt được hiệu quả cao nhất.
Chương trình cũng xây dựng tính mở cho giáo viên: Tức là ở đó giáo viên có quyền đề xuất chọn sách giáo khoa và chọn tác phẩm văn học để giảng dạy miễn là bám sát vào yêu cầu chung. Người viết sách giáo khoa cũng được chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học, tư liệu và thiết bị dạy học cụ thể. Vì vị trí của sách giáo khoa đã thay đổi, trước được coi là “pháp lệnh” thì nay là tài liệu chính thức để dạy học; số lượng sách giáo khoa không chỉ có một bộ mà sẽ có nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Từ “cầm tay chỉ việc” sang “mở”… tự do?
GS.Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: “Chương trình chỉ quy định nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt như phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, phương pháp đánh giá kết quả giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ mở cho người học tự chọn một số môn học như: Chọn môn Ngoại ngữ 2 từ lớp 6; chọn 5/9 môn học lựa chọn từ lớp 10; chọn môn thể thao phù hợp từ lớp 1; chọn học phần Công nghệ, Tin học từ lớp 6; chọn học phần Mĩ thuật từ lớp 10…”.
Ông Hoàng Tiến Chính, ĐH Bạc Liêu nhận định: “Điểm mới then chốt của chương trình giáo dục phổ thông lần này là tiếp cận theo định hướng năng lực. Cách tiếp cận này tác động đến mọi yếu tố của quá trình dạy học. Ví dụ, chương trình ngữ văn mới lần này đã chọn hệ thống học liệu mở, góp phần cùng các yếu tố khác trong dạy học Ngữ văn sao cho đạt hiệu quả phát triển năng lực cho học sinh”.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân, hệ thống giáo dục mở không phải là một hệ thống khác, xuất hiện như bổ sung, đứng cạnh giáo dục truyền thống mà phải thâm nhập, thẩm thấu vào nền giáo dục truyền thống. Tất cả các giải pháp của nền giáo dục mở tạo ra cơ hội để mọi người được tiếp cận rộng rãi với giáo dục. Người học có thể lựa chọn phương thức học thích hợp với điều kiện cá nhân, từ mục tiêu đào tạo, chương trình, lựa chọn trường học, thời gian học liên tục hay gián đoạn, lựa chọn tốc độ hoàn thành chương trình và thậm chí, lựa chọn cả thầy cô giáo.
Và có… “nửa vời”?
Chia sẻ về những rào cản khi xây dựng hệ thống giáo dục mở ở Việt Nam, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ GD&ĐT cho rằng, giáo dục mở đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho cả Nhà nước và người học, nhưng đó là về lâu dài, còn ban đầu lại đòi hỏi có sự đầu tư lớn về hạ tầng và phần mềm. Đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, đây là một rào cản lớn. Đó là việc thiếu nguồn lực tài chính cần thiết để đầu tư vào phần cứng, phần mềm, cùng các chi phí để xây dựng, phát triển các dự án giáo dục mở…
Và theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, một rào cản nữa, đó là sức ỳ của hệ thống giáo dục ở nước ta. Trong 30 năm đổi mới vừa qua, đã có nhiều bước tiến quan trọng nhưng vẫn chủ yếu là một hệ thống đóng, tập trung đầu vào và hướng tới thi cử. Thậm chí còn phải tiếp tục thực hiện một chương trình quốc gia với phần nội dung “cứng”, bắt buộc trong giới hạn nhất định và kèm theo là các chương trình khác nhau ở cấp địa phương với phần nội dung “mềm” phù hợp điều kiện cụ thể ở địa phương đó.
Tuy nhiên, ông Vũ Ngọc Hoàng bày tỏ, sau khi có chủ trương về một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa thì Bộ Giáo dục lại đề nghị, trong đó có một bộ sách do Bộ trực tiếp chỉ đạo, thực hiện bằng tiền của Nhà nước... Thay vì chỉ có một bộ sách độc quyền, việc cho ra nhiều bộ sách giáo khoa là một sân chơi bình đẳng mà Bộ Giáo dục phải đứng ở vị trí trung tâm, trọng tài, chứ không lệch về một bên nào. Do đó, theo ông Hoàng, Bộ GD&ĐT làm công việc quản lý nhà nước là chủ yếu, còn công việc mang tính sự nghiệp như viết sách là của các nhà xuất bản, các trường đại học, viện nghiên cứu và các chuyên gia. Với cách làm này thực chất là “đổi mới” nửa vời, vẫn níu kéo cái cũ, vẫn là như cũ.
Ở góc độ Chủ biên tổng thể chương trình, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, Nghị quyết số 88 khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân đang sẵn sàng tham gia công việc này. Do đó, một số đơn vị đã tiến hành nghiên cứu mô hình sách giáo khoa của nước ngoài và biên soạn thử một số bản thảo. Những sự chuẩn bị, tập dượt đó nhằm sau khi chương trình mới được thông qua có thể bắt tay vào việc ngay. Theo GS Thuyết, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tuyển chọn tác giả biên soạn bộ sách giáo khoa này. Mọi việc sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.
Theo Uyên Na (PLO)