Khó quản lý thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng
Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vừa kiến nghị: Để giải quyết vấn nạn phân bón, thuốc BVTV giả, nhái, kém chất lượng, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra trực tiếp tại các đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV, từ đây sẽ phát hiện được các vi phạm về nhãn mác, chất lượng.
“Nếu kiểm tra tại các nhà máy sản xuất phân bón có uy tín thì chỉ được đầu vào sản xuất, đầu ra sản phẩm đến người nông dân. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp uy tín và cơ sở sản xuất nhỏ, nhằm bảo đảm quyền lợi và bảo vệ người dân”, một doanh nghiệp sản xuất thuốc BVTM nói.
Thu giữ nhiều loại thuốc BVTV nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Ảnh: CTV.
Theo Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế, thời gian qua nổi lên hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV là hàng kém chất lượng, nhái nhãn hiệu nổi tiếng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn ra tại các địa bàn trọng điểm về trồng trọ. Điều này đã gây ảnh hưởng đến nguồn nước, đất trồng trọt, gây ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại lớn cho nông dân, các doanh nghiệp chân chính, nền sản xuất nông nghiệp và đời sống, sức khỏe nhân dân.
Đối với phân bón là tình trạng kinh doanh, sản xuất các loại phân bón vô cơ, hữu cơ dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài nhưng thực chất là các sản phẩm phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, được sản xuất hoặc đóng gói tại nhiều nơi ở trong nước không đủ điều kiện theo quy định. Đối với thuốc BVTV có nguồn gốc từ nước ngoài, xen lẫn với thuốc BVTV kém chất lượng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hằng năm trung bình ngành trồng trọt cả nước có nhu cầu tiêu thụ hơn 11 triệu tấn phân bón, trong đó phân vô cơ chiếm hơn 90%, phân hữu cơ và phân bón khác chiếm 10%. Trung Quốc hiện là nhà cung cấp phân bón lớn nhất vào thị trường Việt Nam với gần 50% lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam.
Hiện, Việt Nam chưa sản xuất được hóa chất thuốc BVTV hoặc thuốc BVTV kỹ thuật. Tất cả thuốc BVTV tại Việt Nam đều phải nhập khẩu. Hằng năm, Việt Nam nhập khẩu 100 nghìn tấn thuốc BVTV. Trong 100 nghìn tấn này có 50% được sử dụng trong nước, 10% được bảo quản trong kho và lưu thông trên thị trường, 40% còn lại được nhập về sang chai, đóng gói tại Việt Nam và xuất sang nước khác. Trên cả nước có hơn 30 nghìn cửa hàng đại lý buôn bán thuốc BVTV và 91 cơ sở đủ điều kiện sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc BVTV.
Tính đến hết quý I/2018, các địa phương và lực lượng chức năng đã kiểm tra 1.420 vụ, xử lý 306 vụ, 306 đối tượng vi phạm lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV; trong đó xử lý vi phạm hành chính 306 vụ, xử phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng.
Tuy vậy theo Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia, tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh trái phép vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường
Đại diện một số cơ quan chức năng cho rằng, công tác lấy mẫu và giám định tang vật là phân bón, thuốc BVTV rất phức tạp, kéo dài nên các đối tượng triệt để lợi dụng, gây khó khăn điều tra, xác minh, tiến độ xử lý vi phạm của cơ quan chức năng. Thực tế một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc BVTV đăng ký hoặt động, sản xuất kinh doanh tại 1 địa điểm nhưng lại tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau nên khó cho công tác quản lý địa bàn cũng như phát hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, xử phạt hiện nay chưa đủ mức răn đe và các đối tượng vi phạm gian lận thương mại, làm giả, làm nhái phân bón, thuốc BVTV lại càng tinh vi.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Trung ương Hiệp hội phân bón Việt Nam đề xuất: Bổ sung Luật 71 về thuế đối với mặt hàng phân bón là mặt hàng chịu thuế; tăng mức chế tài xử phạt và đề nghị lực lượng liên ngành tổng thanh kiểm tra hệ thống sản xuất, kinh doanh phân bón trên toàn quốc.
Theo Cục BVTV, qua phối hợp các cơ quan liên ngành đã bắt hơn 40 vụ vi phạm, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, thu giữ 7 tấn thuốc BVTV với 25 loại thuốc khác nhau đều nằm ngoài danh mục và phần lớn có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo Minh Phương (Báo Tin tức)