TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Nhà nước tránh “vừa đá bóng vừa thổi còi”
Ngày 28.5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV tiếp tục với phiên thảo luận về Báo cáo của Ðoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN và cổ phần hóa DN Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016. Trao đổi với PV Báo Bình Ðịnh, Phó Trưởng đoàn ÐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh khẳng định, đây là vấn đề quan trọng, cần nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh phát biểu tại phiên thảo luận chiều 28.5.
Nhà nước không trực tiếp kinh doanh để thu lợi nhuận
● Bên cạnh mục tiêu phát triển bền vững, cũng cần phải đảm bảo huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội, sử dụng tốt nguồn lực của Nhà nước, trong đó có vấn đề cổ phần hóa DN Nhà nước (CPH DNNN) và sử dụng DNNN như một công cụ để phục vụ cho mục tiêu phát triển. Theo bà, cần làm gì để hướng đến các mục tiêu đó?
- Quá trình tổ chức sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trong đó có nội dung quan trọng là CPH DNNN được tiến hành từ năm 1992 đến nay đã đem lại những kết quả tích cực. Nhiều DNNN sau khi CPH hoạt động hiệu quả, giữ vai trò nòng cốt trong nhiều ngành kinh tế, có sức hấp dẫn trên thị trường chứng khoán.
Việc Nhà nước thoái vốn trong quá trình CPH DNNN đã tạo ra nguồn tài chính quan trọng bổ sung cho ngân sách. Tuy nhiên, đây là nguồn lực rất hữu hạn, nếu sử dụng không có hiệu quả thì sẽ dẫn đến lãng phí. Do đó, tôi cho rằng chỉ nên sử dụng nguốn vốn CPH DNNN, thoái vốn ở các DN để đầu tư hạ tầng của nền kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông, khu kinh tế, khu công nghệ cao nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển của kinh tế đất nước.
● Giai đoạn 2011 - 2016, cả nước đã CPH 571 DN và bộ phận DN. Theo đánh giá của Đoàn Giám sát, tỉ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao, trong đó có các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực Nhà nước không cần chi phối. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Rõ ràng, cần kiên quyết đẩy nhanh tiến độ thoái vốn ở những DN mà Nhà nước không nhất thiết giữ cổ phần chi phối theo tinh thần Nhà nước không trực tiếp kinh doanh để thu lợi nhuận.
Đánh giá quá trình CPH thời gian qua và nghiên cứu mô hình đã và đang được nhiều quốc gia thực hiện, tôi cho rằng có 3 điểm trọng yếu. Thứ nhất, Nhà nước không kinh doanh quá nhiều lĩnh vực. Thứ hai, cần có mô hình quản lý để Nhà nước tránh “vừa đá bóng vừa thổi còi” - vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế, vừa là chủ sở hữu của các DNNN trực tiếp kinh doanh trên thị trường. Thứ ba, sự kinh doanh của Nhà nước (nếu có) phải mang tính dẫn đường thúc đẩy thị trường phát triển, chứ không cạnh tranh với các DN khác trên thị trường vì mục tiêu lợi nhuận; đồng thời gắn với lợi ích xã hội, phục vụ người dân ở những lĩnh vực mà tư nhân không tham gia.
Do đó, tôi kiến nghị ưu tiên thoái hết vốn ở những DN mà Nhà nước không nhất thiết nắm giữ cổ phần chi phối và phải duy trì tỉ lệ nắm giữ trên 51% ở những DN mà Nhà nước cần tham gia để định hướng sự phát triển của nền kinh tế. Điều quan trọng là phải xác định được lĩnh vực then chốt của nền kinh tế mà Nhà nước cần nắm quyền chi phối với những tiêu chí cụ thể, phù hợp.
Cần sớm công bố kết quả thanh tra CPH Cảng Quy Nhơn
● Nhắc đến các lĩnh vực then chốt cần sự tham gia của Nhà nước, có thể kể đến các cảng biển tổng hợp với vai trò quan trọng về kinh tế lẫn an ninh quốc phòng. Theo bà, đâu là điểm cần chú ý đối với việc CPH các DN này?
- Trên thực tế, thời gian qua chúng ta đã thực hiện thoái vốn tại một số DN ở địa bàn trọng yếu và có thế mạnh về kinh tế của địa phương, của vùng. Đối với những cảng biển tổng hợp có vai trò đặc biệt quan trọng, là nhân tố tác động mạnh mẽ đối với kinh tế địa phương, nên tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, trong đó Nhà nước duy trì tỉ lệ cổ phần chi phối. Khi thu hút tư nhân tham gia mở rộng đầu tư thì Nhà nước tăng vốn góp để duy trì cổ phần chi phối. Nên giao cho chính quyền địa phương có cảng biển tổng hợp quốc gia đại diện phần vốn này để định hướng phát triển.
● Trong chuyến làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Bình Định vào cuối năm 2017, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đã tha thiết đề nghị Trung ương “để Cảng Quy Nhơn lại là của Nhà nước”. Khi phát biểu tại phiên thảo luận chiều 28.5, bà cũng đề cập đến vấn đề CPH Cảng Quy Nhơn. Bà có thể thông tin cụ thể hơn?
- Trong phần ý kiến ở diễn đàn Quốc hội, tôi đã kiến nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những vi phạm, tồn tại trong quá trình CPH. Riêng với trường hợp Cảng Quy Nhơn, Ban Bí thư đã chỉ đạo và Thanh tra Chính phủ đã có Quyết định số 776/QĐ-TTCP ngày 5.4.2017 về thanh tra toàn diện việc CPH cảng biển có vị thế chiến lược này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa công bố kết quả. Chính phủ cần tập trung chỉ đạo sớm hoàn thành việc thanh tra đối với quá trình CPH tại Cảng Quy Nhơn và công khai kết luận thanh tra; càng để lâu thì càng dễ tạo ra dư luận thắc mắc trong nhân dân, ảnh hưởng đến chủ trương CPH DNNN.
● Xin cảm ơn bà.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)