Nét thổ cẩm Bana ở Kon Trú
Làng Kon Trú là một trong những làng heo hút nhất của huyện Vĩnh Thạnh. Trước năm 2006, Kon Trú thuộc Hoài Ân, sau đó, làng được sáp nhập về xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Khi ấy, cả làng chỉ có 12 hộ. Nay, làng có 39 hộ với 142 nhân khẩu, chủ yếu là người Bana. Điểm đáng chú ý là Kon Trú còn giữ nhiều sinh hoạt văn hóa truyền thống như: đánh cồng chiêng, múa xoang, đan đát… Đặc biệt, ở Kon Trú, đồng bào sử dụng thổ cẩm Bana với mức độ cao, nghề dệt được giữ gìn chu đáo.
Mí Đinh Thị Lữ dệt thổ cẩm.
Ông Đinh Văn Nghếp, Bí thư chi bộ làng Kon Trú, đưa tôi thăm nhà mí Đinh Thị Lữ (58 tuổi). Dưới ánh chiều rọi qua khung cửa nhà sàn, sắc màu và đường nét hoa văn trên nếp vải thô mộc khiến tôi mê mẩn. Theo mí Lữ, phụ nữ Kon Trú dệt thổ cẩm chủ yếu để dùng chứ rất ít khi bán. Những ngày lưu lại ở Kon Trú, tôi thấy khác với nhiều người, đồng bào ở đây sử dụng áo váy thổ cẩm truyền thống nhiều và thường xuyên hơn các làng khác. “Ở làng Kon Trú, biết dệt thì nhiều, nhưng gắn bó tâm huyết như gia đình mí Lữ có 3 hộ thôi”, anh Quách Công Minh, trưởng làng Kon Trú chia sẻ.
Vừa trò chuyện cùng tôi, đôi tay mí Lữ vẫn thoăn thoắt kéo khung cửi. Mí làm rẫy, bàn tay thô ráp, chai sần nhưng những hoa văn trên tấm vải bà dệt lại sắc sảo và tỉ mỉ vô cùng. “Từ lúc hơn mười tuổi, mẹ tôi đã dạy tôi dệt thổ cẩm. Bây giờ, mỗi khi có dịp trò chuyện với bọn trẻ, tôi đều tìm cách rủ rỉ chuyện trò, gợi mở để chúng chịu khó cùng giữ gìn cái đẹp của thổ cẩm Bana. Nhờ vậy cũng có một số đứa thích học và tôi cũng truyền lại hết cho mấy đứa nó”, mí Lữ chia sẻ.
“Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Bana đang dần mai một. Làng Kon Trú có ít hộ dân, nhưng đồng bào lại rất tha thiết với các giá trị văn hóa truyền thống. Những người như mí Lữ rất đáng quý”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh tâm sự.
VĂN PHI