Xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng phải “trong sạch”
Cần có tiêu chuẩn để xây dựng lực lượng này nhằm hạn chế thấp nhất việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để vi phạm
Tránh việc lợi dụng đánh bạc, chiếm đoạt tài sản
Dự thảo Luật An ninh mạng vừa trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 quy định ưu tiên xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; nâng cao năng lực cho các lực lượng bảo vệ an ninh mạng và các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng cũng như nguyên tắc phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng này.
Theo đó, Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, trừ hệ thống thông tin quân sự do Bộ Quốc phòng quản lý và hệ thống thông tin cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Quốc phòng thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quân sự. Ban Cơ yếu Chính phủ thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ.
Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thường
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Cao Đình Thường (đoàn Phú Thọ) cho rằng, xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn, bảo vệ an ninh mạng trước nguy cơ tấn công.
Tuy nhiên, đại biểu này đề nghị cần quy định cụ thể tiêu chuẩn lựa chọn nhằm thực hiện nhiệm vụ cụ thể của lực lượng, quản lý chặt chẽ để tránh lợi dụng chuyên môn, nghiệp vụ và các hoạt động xâm phạm lợi ích an ninh trật tự của Nhà nước.
“Hạn chế thấp nhất việc sử dụng chức vụ, quyền hạn và trình độ chuyên môn nghiệp vụ để vi phạm, như các vụ sử dung mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, mua bán trái phép hoá đơn đã diễn ra thời gian qua” – đại biểu Thường nhấn mạnh.
Không quy định DN nước ngoài đặt máy chủ tại Việt Nam
Về yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo không quy định nội dung này trong dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.
Chủ nhiệm Uỷ ban QP-AN Võ Trọng Việt
Còn với yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, UBTVQH đề nghị giữ lại nội dung này trong dự thảo Luật và ghép với quy định tương tự đối với doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Võ Trọng Việt, việc quy định như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm ANQG, TTATXH; gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; bảo đảm tính khả thi khi phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước sử dụng không gian mạng.
Quy định trên cũng hù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phù hợp với Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam; đồng thời, đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay.
Cùng với đó là tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khi kinh doanh vào Việt Nam; đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp này.
Một thuận lợi nữa theo UBTVQH là bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet tại Việt Nam hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam./.
Theo Ngọc Thành (VOV.VN)