Cần quy định cụ thể các điều kiện được đề nghị đặc xá
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 29.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Ðặc xá (sửa đổi) và Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Tại đây, các ÐBQH tỉnh Bình Ðịnh đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng.
Về Luật Đặc xá (sửa đổi), theo Tờ trình của Chính phủ, qua 10 năm thực hiện Luật, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá với hơn 85.000 phạm nhân và 1.123 người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Nhiều đại biểu thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những bất cập qua 10 năm thực hiện Luật Đặc xá hiện hành.
Đại biểu Huỳnh Cao Nhất phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 29.5.
Góp ý về các điều kiện để được đề nghị đặc xá, đại biểu Nguyễn Phi Long (Đoàn Bình Định) cho rằng Luật cần quy định cụ thể, rõ ràng, công khai, minh bạch để tạo tiền đề đề nghị xét đặc xá ở cấp cơ sở, bảo đảm quyền của phạm nhân. Bên cạnh đó, cần định lượng cụ thể trong trường hợp chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí (điểm C, khoản 1, Điều 10) với số tiền phải nộp là 50%, hoặc 2/3 để Chủ tịch nước làm căn cứ xem xét, quyết định. Ông Long đề nghị thay khái niệm “lập công lớn” bằng cụm từ có “thành tích đặc biệt trong thời gian chấp hành án phạt tù” cho phù hợp hơn, đồng thời phải quy định các trường hợp cụ thể như cứu người bị hỏa hoạn, tai nạn…. Tương tự, về điều kiện có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nên quy định rõ là hộ nghèo, hộ cận nghèo, để công khai cho các đối tượng và minh bạch trong quá trình tổ chức xét đặc xá.
Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Cao Nhất đề nghị bỏ điểm G, khoản 2, Điều 10 quy định trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định theo đề nghị của Chính phủ, vì cho rằng các trường hợp đặc xá đã được Luật quy định cụ thể, kể cả dự thảo Luật đã quy định tại Điều 21 về người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Đối với quy định về điều kiện được đặc xá trong trường hợp chưa thực hiện việc bồi thường nhưng có cam kết và được sự đồng ý của người bị hại, đại biểu Huỳnh Cao Nhất đề nghị không quy định, vì nếu sau khi được đặc xá người phạm tội không thực hiện sẽ dễ phát sinh khiếu kiện, không có chế tài để xử lý, làm ảnh hưởng xấu đến ANTT.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức còn đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện những người mặc dù trong quá trình cải tạo rất tốt, lập công lớn… nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự cũng được xét đặc xá để bảo vệ người yếu thế, đảm bảo công bằng xã hội.
Ngoài ra, nhiều đại biểu đều thống nhất với quy định bổ sung về thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài; đồng thời đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá; về trách nhiệm của Tổ thẩm định liên ngành (Điều 26 dự thảo Luật).
Đối với dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Nguyễn Phi Long đánh giá cao việc soạn thảo, ban hành Luật để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và an ninh biển đảo. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại các quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của lực lượng cảnh sát biển để thống nhất với các luật khác; làm rõ hơn vị trí pháp lý, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam.
* Cấp thiết bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) đặc biệt lưu ý điều này khi phát biểu ở Hội trường Quốc hội về dự án Luật An ninh mạng vào sáng 29.5.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh
Theo Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Luật Trẻ em quy định cấm cung cấp dịch vụ Internet có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em từ các trang web đen, trò chơi online không phù hợp với trẻ em chưa được kiểm soát chặt chẽ vẫn luôn là nỗi lo của các gia đình, nhà trường và xã hội.
Hiện tại hầu hết việc truy cập Internet trong gia đình, tại các cơ sở kinh doanh Internet hay các mạng wifi tự do bên ngoài không có sự phân biệt người truy cập là người lớn hay trẻ em. Việc để trẻ em tự do tham gia mạng xã hội, trao đổi thông tin với đối tượng mà mình không biết, truy cập vào các trang web “đen”, game online không phù hợp với lứa tuổi của các em khi không có sự giám sát của người thân, thầy cô trên mạng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ và hành động của trẻ em. Nếu không kiểm soát việc tham gia vào môi trường mạng của trẻ em thì không khác gì chúng ta để con em “đi bụi đời” trong môi trường mạng, có một cuộc sống ảo lệch lạc, rồi sẽ có một thế hệ trẻ em mà không ít trong số đó sẽ có lối sống trái với các chuẩn mực đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Đại biểu Cảnh cho rằng, người lớn đủ năng lực để quyết định “đi” như thế nào cho phù hợp và tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình, còn trẻ em thì trong môi trường mạng cần người lớn là Nhà nước, nhà trường, gia đình quan tâm, hướng dẫn và bảo vệ để các em được đi trên những con đường phù hợp với lứa tuổi mình.
Trong thời gian ngắn không thể điều chỉnh được nội dung này một cách cụ thể, ông Cảnh đề nghị trong dự thảo Luật An ninh mạng có một điều quy định về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng để các em có một môi trường an toàn trên không gian mạng; được giáo dục, vui chơi phù hợp với lứa tuổi của mình. Ông Cảnh cho rằng, Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT, Bộ VH-TT&DL, Bộ LĐ-TB&XH cần phát triển một cổng thông tin tích hợp dành riêng cho trẻ em sử dụng tại các gia đình, trường học, các cơ sở cung cấp dịch vụ Internet để trẻ em chỉ tiếp thu các thông tin đã được xây dựng, được chọn lọc, được liên kết với các nguồn trong nước và quốc tế phục vụ học tập, vui chơi; hướng dẫn quy tắc ứng xử, giáo dục giới tính, kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi trẻ em để chúng ta sẽ có một thế hệ trẻ em được phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ.
MAI LÂM - SỸ NGUYÊN