Bếp ăn tình thương huyện Tuy Phước: 10 năm nghĩa tình
10 năm qua, Bếp ăn tình thương huyện Tuy Phước nhận được sự thân thiện, quý mến của bệnh nhân và cộng đồng. Dõi lại hành trình 10 năm của bếp, mới thấy mồ hôi và tấm lòng của những người trong cuộc đã gieo xuống nhiều mức nào để có thể vững vàng cho đến hôm nay.
Nhiều thăng trầm
“Năm 2008, CLB Người tình nguyện CTĐ huyện Tuy Phước trở thành nơi tập hợp của những người làm công tác nhân đạo. CLB tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện khác nhau. Nhưng rồi, lại chọn tập trung nhiều nhất ở bếp ăn tình thương bởi ý nghĩa thiết thực của nó. Từ vài cá nhân tự nấu cháo tại nhà mang đến bệnh viện phát, bếp dần dần phát triển, tăng số lượng lẫn chất lượng. Tiếng lành đồn xa. Nhiều cơ duyên đã mở ra với bếp”, ông Đỗ Văn Hiến, Chủ nhiệm CLB Người tình nguyện CTĐ Tuy Phước khái quát.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Trần Hữu Tường biểu dương đại diện CLB Người tình nguyện CTĐ Tuy Phước và Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bác Ái, hai đơn vị phục vụ cho bếp ăn thời điểm hiện tại.
Năm 2009, TTYT huyện Tuy Phước dành riêng cho CLB 1 phòng để làm bếp nấu cháo; UBND huyện tặng 4 triệu đồng để mua xoong nồi và các vật dụng. Bếp cháo tình thương Tuy Phước chính thức thành lập. Ủng hộ cho bếp thời điểm này là 4 nhà hảo tâm ở TP Quy Nhơn với mức 800 ngàn đồng/tháng. Nhằm có thêm nguồn lực, cuối năm 2009, bếp phối hợp Lữ đoàn 573 tổ chức chương trình ca nhạc gây quỹ, thu về được 40 triệu đồng. Giai đoạn 2010 - 2012, bếp có thêm sự ủng hộ của Hội Phật giáo Hòa Hảo Miền Nam, chính thức phát triển thêm 2 bữa cơm trưa, chiều với khoảng 80 suất/buổi.
Đầu năm 2013, sau 5 năm nỗ lực hoạt động, bếp vinh dự tham gia chương trình Bếp yêu thương do Báo Thanh Niên và Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh thực hiện; được hỗ trợ 14 triệu đồng và gần 1.000 lít dầu ăn. Từ đây, bếp mạnh dạn tăng số lượng cơm trưa lên 100 suất mỗi ngày; đồng thời vẫn duy trì cấp phát cháo sáng. Năm 2014, có thêm nguồn tài trợ của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh, bếp tiếp tục tăng lên 150 suất cơm/ngày và cấp 20 ngày/tháng.
Năm 2015 là thời điểm nhiều khó khăn bởi bếp phải trả nhà bếp lại cho TTYT huyện xây kho dược. Các tình nguyện viên phải chuyển về trụ sở Hội CTĐ huyện để nấu tạm, hàng ngày dùng xe cải tiến để đẩy suất cháo, cơm về TTYT huyện. “Cảm giác ngày đó giống như chúng tôi đang quay ngược lại thời điểm bắt đầu - năm 2008 với muôn vàn khó khăn. Đường sá xa xôi. Mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì ngập bùn. Phần lớn các chị em đều đã lớn tuổi, nhiều chị em còn không biết đi xe máy. Nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đưa cơm đến cấp cho bà con”, bà Quang Cẩm Thu, Phó Chủ nhiệm CLB Người tình nguyện CTĐ huyện kể lại.
Bếp tình thương huyện Tuy Phước phục vụ bệnh nhân nghèo.
Phải đến năm 2016, bếp ăn mới có được cơ ngơi ổn định nhờ được sự quan tâm đầu tư, được nhiều đơn vị, nhà hảo tâm giúp đỡ. Bếp quyết định tăng từ 150 suất lên 200 suất cháo sáng, cơm trưa; thực hiện 20 ngày/tháng. Ngoài ra, còn phối hợp với các cơ sở phật giáo, nhóm thiện nguyện cấp cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật cho bà con.
Lắm tâm huyết
10 năm không phải là chặng quá dài so với đời người nhưng việc bếp luôn “đỏ lửa” 20 ngày/tháng bất kể khó khăn, cách trở đã cho thấy nỗ lực và tâm huyết của các tình nguyện viên phục vụ bếp. Bình quân một năm, bếp phục vụ 44.000 suất cháo và 44.000 suất cơm. Trị giá các suất ăn tương đương với 1 tỉ đồng/năm.
Đánh giá cao hoạt động của bếp tình thương khi ngày một quy củ, chất lượng, ông Trần Hữu Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước khẳng định: “Bếp góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Tôi yêu cầu Hội CTĐ huyện phải thường xuyên tham mưu cho UBND huyện khen thưởng, biểu dương các tình nguyện viên đã đóng góp công sức cho bếp. Tôi xin cảm ơn các nhà hảo tâm, tập thể bếp đã nỗ lực không ngừng nghỉ cho bệnh nhân nghèo thời gian qua”.
Tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập bếp vừa qua, ông Hồ Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Công ty thuốc bảo vệ thực vật HAI cho rằng: “Ngày nay, các đơn vị có điều kiện để đóng góp cho xã hội, giúp đỡ những người khó khăn nhưng cái khó là chưa tìm thấy một mô hình phù hợp. Công ty rất vui vì có thể hỗ trợ một mô hình thiện nguyện như bếp hoạt động hiệu quả”.
Ông Phan Minh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh góp thêm nhận định: “Điều đáng khâm phục là bếp duy trì và hoạt động ổn định bao nhiêu năm chỉ dựa vào một số tình nguyện viên và phần lớn đều đã ở tuổi 60. Tôi cho rằng để hoạt động của bếp lâu dài hơn nữa, cần phải xây dựng lực lượng tình nguyện viên, huy động sự vào cuộc của các xã trên địa bàn huyện, các hội đoàn thể như phụ nữ, thanh niên...”.
NGUYỄN MUỘI