Cảnh giác với tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
Các bị cáo đều đưa ra lý do phạm tội của mình, song điểm chung của họ chính là mờ mắt trước cám dỗ của đồng tiền, lợi dụng lòng tin của người khác, để rồi phải trả giá.
Mức án 3 năm 6 tháng tù giam mà hội đồng xét xử tuyên đối với bị cáo Nguyễn Xuân Thông (SN 1982, ở Phù Cát) là lần đi tù thứ 5 của Thông cùng về một hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Thông làm quen với chị T.M. (nhân viên một nhà nghỉ trên đường Tây Sơn, TP Quy Nhơn), nói dối mình có nhà ở TP Hồ Chí Minh, làm tài xế lái xe 7 chỗ, đến Quy Nhơn thì bị hư xe ở Phú Tài. Thông hứa hẹn sẽ cưới chị M., và cùng vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Chị M. tưởng thật nên dẫn Thông về giới thiệu với gia đình. Nhưng sau khi đến nhà chị M., Thông lấy cớ mình đang sửa ô tô trên Phú Tài, cần tiền và mượn xe để đi coi thợ, nên đã lấy 2 xe máy và tiền mặt của chị M. và người nhà chị M. mang cầm cố và đánh bạc, sau đó bỏ trốn vào TP Hồ Chí Minh.
Quang cảnh phiên tòa xét xử bị cáo Hạnh và Bình phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tại phiên tòa hôm ấy, đại diện viện kiểm sát cho rằng hành vi của Thông là tái phạm nguy hiểm, lợi dụng sự tin tưởng của chị M. để chiếm đoạt tài sản, với số tiền gần 50 triệu đồng. Tòa hỏi: “Bản thân bị cáo đã có nhiều tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vậy sao không tu chí làm lại cuộc đời để còn nuôi dạy con cái mà cứ ngựa quen đường cũ?”. Lúng túng hồi lâu, Thông lí nhí biện bạch: “Do bị cáo nợ nần chồng chất, không còn cách nào xoay xở nên mới…”.
Vốn là chủ một DN kinh doanh nông sản, sau khi ký hợp đồng và nhận 5,4 tỉ đồng để bán 1.000 tấn bắp hạt cho một công ty nọ, Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và mẹ ruột của mình là Tô Thị Bình chỉ thực hiện một phần hợp đồng là mua trên 402 tấn bắp, trị giá trên 2,1 tỉ đồng, giao cho đối tác. Còn lại hơn 3,2 tỉ đồng, Bình, Hạnh chiếm đoạt để trả nợ đã vay, mượn trước đó cho 12 cá nhân và chi phí cho hoạt động của công ty mình; đồng thời trốn tránh đối tác, thay đổi nơi ở.
Hôm tòa xử, họ thừa nhận các hành vi của mình nhưng vẫn quanh co chối tội và cho rằng mình không có ý thức chiếm đoạt tài sản của đối tác. Bình cho rằng việc làm của mình là bình thường, “bây giờ ai làm ăn cũng vậy”; còn Hạnh thì liên tục kêu oan và cho rằng tuy là giám đốc công ty nhưng do tuổi đời còn trẻ, chưa hiểu biết nhiều, mọi hợp đồng làm ăn đều là mẹ bảo ký thì ký chứ bản thân không biết gì. Trước những lời biện minh này, tòa chất vấn Bình: “Việc mở công ty kinh doanh, mưu cầu cuộc sống là chính đáng, nhưng chiếm đoạt tiền của người khác là sai trái. Tại sao bị cáo không nhìn nhận thực tế công việc làm ăn của mình mà để bản thân lung lay trước cám dỗ của đồng tiền?”… Quay sang Hạnh, tòa chất vấn: “Bị cáo cũng đủ trình độ và năng lực nhận biết đúng sai, ký tá giấy tờ thì cũng phải xem xét kỹ, đằng này, bị cáo lại vô trách nhiệm với chính việc mình làm, bị cáo có thấy hối hận không?”. Run run, Hạnh đáp “dạ có” rồi im bặt.
Theo thống kê của ngành chức năng, tình hình phạm pháp hình sự thời gian qua có giảm song những diễn biến liên quan đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản còn diễn biến phức tạp. Vậy nên, mỗi người cần cảnh giác để tránh tình trạng tiền mất tật mang và tình cảm cũng bị sứt mẻ.
K.ANH