TÀU VỎ THÉP HẬU CẦN NGHỀ CÁ NẰM BỜ:
Ngư dân lâm cảnh nợ nần
Sau vài chuyến biển, 3 tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần nghề cá có giá trị hàng chục tỉ đồng của ngư dân ở xã Cát Khánh (Phù Cát) phải “trùm mền” do hoạt động không hiệu quả, khiến các chủ tàu lâm cảnh nợ chồng nợ.
Cứ ra khơi là lỗ
Chiều 29.5, trong khi các tàu bạn tất bật lấy tổn chuẩn bị ra khơi thì tàu vỏ thép hậu cần BĐ 99479-TS (công suất 880 CV) của ông Nguyễn Đức Hưng (41 tuổi, ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, Phù Cát) đóng theo Nghị định 67 vẫn im ắng tựa cầu cảng cá Đề Gi. Con tàu này được ông Hưng đóng vào năm 2016 với chi phí 18 tỉ đồng, trong đó vay ngân hàng hết 17 tỉ đồng. Đầu năm 2017, tàu được hạ thủy. Đến tháng 7.2017, tàu hoàn thành được 3 chuyến biển, mỗi chuyến… lỗ hơn 100 triệu đồng.
Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của ông Nguyễn Đức Hưng và ông Lê Văn Mi “trùm mền” tại cảng cá Đề Gi sau vài chuyến biển thất bại.
Ông Hưng buồn bã nói: “Sau khi chuyển đổi tàu gỗ sang tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần, tôi khấp khởi hy vọng sẽ mang lại hiệu quả. Bởi, tàu hoạt động theo chuỗi liên kết vừa cung ứng nhiên liệu, đá lạnh, vừa thu mua hải sản tươi mới đánh bắt được của các tàu cá khác. Thế nhưng, cứ tàu ra khơi là thua lỗ nặng nên tôi cho tàu nằm bờ gần cả năm nay rồi”.
Tương tự, tàu dịch vụ hậu cần BĐ 99569-TS của ông Lê Văn Mi (xã Cát Khánh) có thiết kế, công suất, thời gian hạ thủy như tàu ông Hưng, kể cả chuyện lỗ vốn.
Để giảm lỗ, ông Mi và ông Hưng đầu tư mua sắm thêm thiết bị với mục đích cải hoán tính năng tàu, để vừa làm dịch vụ hậu cần vừa đánh bắt cá chình bọc (cá ninja). “Lúc đầu tư thiết bị thì giá cá chình bọc đến 150 ngàn đồng/kg, nhưng khi tụi tui đi đánh bắt đưa về bán thì giá chỉ còn 80.000 đồng/kg, lỗ tổn nặng. Bởi vậy, đi 2 chuyến cá chình bọc thất bại, tôi và ông Hưng đều lỗ tổng cộng gần nửa tỉ đồng, kể như trắng tay”, ông Mi xót xa.
Con tàu dịch vụ hậu cần thứ 3 mang số hiệu BĐ 99888-TS của ông Đỗ Công Quý, cũng ở xã Cát Khánh, công suất 940 CV đóng ở Công ty TNHH MTV Nam Triệu với giá 14,6 tỉ đồng là tàu lỗ nặng nhất. Tàu ông Quý đưa về cảng Đề Gi vào tháng 10.2016 và ra khơi sau đó vài tuần. Chuyến biển đầu tiên ông Quý vui mừng vì mua được nhiều cá và nhanh chóng đưa cá vào bờ để bán. Nào ngờ tàu về đến cảng, mở hầm, cá bên trên khá “đẹp”, nhưng từ giữa đến đáy hầm thì đã thành cá muối vì hầm chứa không rút được nước. Chuyến biển đầu tiên, ông Quý lỗ cả tỉ bạc.
Không nản lòng, ông Quý vay mượn thêm 800 triệu đồng để khắc phục hầm cá. Xong, ông đưa tàu đi biển chuyến thứ hai. Nhưng tàu mới ra khỏi cửa biển Đề Gi thì bị hỏng máy, phải thuê tàu bạn kéo vào bờ. Sau đó, ông Quý “cầu cứu” Công ty đóng tàu vào sửa chữa, nhưng càng sửa càng hỏng. Mãi sau này, ông mới biết con tàu mình chung “số phận” với 17 tàu vỏ thép khác của các ngư dân trong tỉnh, do Công ty đóng tàu lắp máy bộ cải hoán, thay vì máy thủy. Tàu ông Quý nằm bờ từ tháng 4.2017 cho đến tháng 4.2018 mới sửa xong.
Cần giúp ngư dân gỡ khó
Ông Nguyễn Đức Hưng giãi bày: “Tàu dịch vụ hậu cần với thiết kế hiện nay chỉ phù hợp với tàu hành nghề vây rút. Tuy nhiên, 5 tàu làm nghề vây rút mà tôi đã ký hợp đồng trước đó đã chuyển sang nghề mành chụp. Lý do là tàu vây rút thường mắc lỗi kỹ thuật, lưới hay vướng chân vịt, xoay xở chậm nên hiệu quả khai thác không cao. Trong khi đó, tàu làm nghề mành chụp có thiết kế khác biệt nên tàu hậu cần khó tiếp cận để lấy sản phẩm hoặc tiếp nhiên liệu. Để “giải cứu” tàu hậu cần đang nằm bờ, mong cơ quan có thẩm quyền cho tôi chuyển đổi sang nghề mành chụp”.
Thế nhưng, cái khó lúc này ông Hưng đang gặp phải là nguồn vốn, bởi muốn chuyển đổi, ông phải đầu tư ít nhất 5 tỉ đồng nữa để mua sắm, trang bị hầm cấp đông, máy dò cá, máy phát điện, bóng đèn, ngư lưới cụ… “Do tàu nằm bờ lâu nên một số thiết bị trên tàu bắt đầu xuống cấp. Để hạn chế hỏng hóc, mỗi tháng tôi phải chi gần chục triệu để duy tu, thuê người trông coi và tiền phí bãi. Trong khi số tiền gốc lẫn lãi ngân hàng tôi vẫn chưa trả được, nợ quá hạn đã phát sinh hơn 300 triệu đồng. Tôi thật sự lực bất tòng tâm”, ông Hưng nghẹn giọng nói.
Còn ông Lê Văn Mi chia sẻ: “Để đóng con tàu này, ngoài phần nợ vay đóng tàu theo chương trình, tôi phải cầm cố đất đai, nhà cửa, nhưng vì thua lỗ nên nay hầu như không còn gì. Nợ quá hạn đã vượt con số 600 triệu đồng. Nguyện vọng tôi cũng giống ông Hưng, nhưng chưa có tiền. Tôi sẽ liên hệ với ngân hàng xin vay gói hỗ trợ để cứu vãn con tàu, nhưng không biết họ có chấp thuận không”.
Đối với tàu hậu cần của ông Quý, sau khi hoàn thành việc sửa chữa vào cuối tháng 4.2018, ông đã cho người quen ở Bà Rịa - Vũng Tàu mượn để làm dịch vụ ở vùng biển phía Nam. Ông cho biết, sau 2 tháng, nếu tàu làm có lãi thì sẽ hợp tác với họ để làm kiếm tiền trả nợ, còn không thì ông đành nhận tàu về để chuyển hướng khác.
Về nguyện vọng chuyển đổi tàu của ngư dân, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Việc chuyển đổi từ tàu dịch vụ hậu cần sang tàu đánh bắt là khó khả thi vì chi phí tốn kém, vừa không đáp ứng được quy hoạch đội tàu cá hiện đại hoạt động theo chuỗi. Ngân hàng lại khó chấp nhận để ngư dân vay vốn nữa. Song với trách nhiệm của ngành, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp cùng các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tìm biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Có thể ngành sẽ làm việc với các chủ tàu khai thác để hình thành tổ đội “tàu mẹ - tàu con” gắn kết, tạo điều kiện để các tàu hậu cần ra khơi trở lại có hiệu quả”.
TRỌNG LỢI