Quan tâm, đầu tư thích đáng hơn cho cấp học mầm non
Chiều 30.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục bổ sung 39 điều, trong đó bổ sung 3 điều mới; bãi bỏ 10 điều. Dự thảo Luật đã bao quát hầu hết các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật Giáo dục, trong đó tập trung một số nội dung hướng vào các chính sách như: học phí học sinh, sinh viên sư phạm; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo; về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận văn bằng nước ngoài; đầu tư và nguồn lực tài chính cho giáo dục; trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội,…
Đại biểu Nguyễn Phi Long
Quan tâm đến cấp học mầm non, đại biểu Nguyễn Phi Long (Đoàn Bình Định) cho rằng đây là cấp học tạo nền tảng quan trọng cho các cấp học tiếp theo nên cần có sự đầu tư thích đáng của gia đình, nhà trường và xã hội. Liên hệ những tồn tại, hạn chế của cấp học mầm non, kể cả mẫu giáo công lập và tư thục trong thời gian qua, ĐB Long kiến nghị Dự thảo luật cần quy định: nhà nước ưu tiên đầu tư cho cấp học này, xác định ngay trong luật tỷ lệ % kinh phí cụ thể đầu tư vào cấp học mầm non trong tổng số ngân sách đầu tư cho giáo dục. Ngoài ra, dự thảo luật cần bổ sung chính sách ưu tiên bố trí đất để xây dựng trường mẫu giáo ở các Khu Công nghiệp, Cụm Chế xuất. ĐB Long cho rằng nếu giáo viên không có tình yêu thương trẻ, kỹ năng sư phạm thì rất khó để dạy các em, do đó kiến nghị cần tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực và trình độ cho giáo viên mầm non; phải xác định họ có vị trí nhất định trong đội ngũ nhà giáo.
Để có sự liên thông giữa các cấp học, nhất là đối với giáo dục nghề nghiệp, ĐB Long đề xuất luật cần quy định cụ thể các giải pháp mở đường, định hướng, phân luồng nhằm đào tạo công nhân lành nghề, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm thực hiện đồng bộ với Luật giáo dục nghề nghiệp. Đồng quan điểm nêu trên, ĐB Lý Tiết Hạnh kiến nghị: định hướng nghề nghiệp phải được thực hiện ngay từ cấp trung học cơ sở với những giải pháp cụ thể, thiết thực. Xuất phát từ những hạn chế của chính sách cử tuyển, ĐB Hạnh đề xuất cần xác định vị trí, việc làm ngay từ giai đoạn cử tuyển để khắc phục tình trạng sau khi tốt nghiệp các em vẫn không có việc làm, nhằm phát huy tác động tích cực của chính sách này, đồng thời đảm bảo việc thực hiện cử tuyển đúng mục đích, hiệu quả. Xác định vị thế của nhà giáo trong xã hội để có chính sách ưu tiên, đầu tư ngân sách phù hợp, cụ thể hóa quan điểm đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển.
ĐB Lê Công Nhường kiến nghị cần quan tâm hơn đến việc dạy tiếng Anh ở các cấp học: tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, tạo môi trường giao lưu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; chú trọng việc dạy đạo đức, góp phần hạn chế tình trạng bạo lực học đường trong thời gian qua.
Góp ý kiến về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, ĐB Lê Công Nhường đề nghị bổ sung các cơ sở giáo dục ứng dụng, nghiên cứu trong hệ thống giáo dục; quan tâm hơn đến việc nghiên cứu khoa học, định hướng làm việc theo nhóm, phát huy tính năng động, sáng tạo cho sinh viên.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ (Đoàn Bình Định) sau khi nghe các ý kiến đóng góp đã tiếp thu và giải trình liên quan đến nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau của 2 dự án Luật nêu trên.
Sỹ Nguyên