Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao
Họp phiên toàn thể tại Hội trường sáng 31.5, Quốc hội đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật; gửi xin ý kiến Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố.
Đến ngày 11.5.2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 52/63 ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội. Nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội đều cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật và góp ý vào một số điều khoản cụ thể.
Tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý.
Theo đó, về thể dục, thể thao quần chúng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến đại biểu, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác các công trình thể thao phục vụ hoạt động thể thao quần chúng; đồng thời, bổ sung quy định trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được miễn, giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập thể dục, thể thao tại các cơ sở thể thao công lập vào Khoản 6, 7 Điều 11 dự thảo Luật sau khi tiến hành rà soát các quy định pháp luật có liên quan.
Về giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, ông Phan Thanh Bình cho biết, một số ý kiến cho rằng để khắc phục tình trạng đuối nước của trẻ em hiện nay, dự thảo cần bổ sung quy định bơi là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa; đồng thời, đề nghị tăng tiết học môn giáo dục thể chất. Tuy nhiên, một số đại biểu khác lại cho rằng, không nên quy định bơi là môn học bắt buộc, việc tăng hay giảm số tiết học môn giáo dục thể chất cần được nghiên cứu một cách tổng thể, có tính đến khả năng đáp ứng của điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Về thể thao thành tích cao, tiếp thu ý kiến đại biểu đóng góp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao; bổ sung chính sách ưu đãi đối với vận động viên cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngành bị tai nạn trong quá trình tập luyện, thi đấu thể thao làm mất khả năng lao động hoặc chết thì vận động viên, thân nhân của họ được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật; vận động viên không còn khả năng thi đấu thể thao được Nhà nước tạo điều kiện học nghề và giải quyết việc làm, được ưu tiên tuyển dụng làm việc tại các cơ sở thể thao; giao Chính phủ quy định chi tiết Điểm h Khoản 1 Điều 32.
Về kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và thể thao bắt buộc có người hướng dẫn luyện tập, một số ý kiến cho rằng việc cho phép hộ kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm là không phù hợp; có ý kiến đề nghị cần xem xét lại quy định về điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh hoạt động thể thao vì việc bổ sung này dẫn đến mâu thuẫn với Luật Đầu tư, tăng thủ tục hành chính và gây khó khăn cho hoạt động của loại hình hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao mạo hiểm và hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn không chỉ đối với hộ kinh doanh mà còn đối với các loại hình hoạt động khác của cơ sở thể thao.
Tại thảo luận, vấn đề đất đai dành cho thể dục, thể thao là một trong những nội dung lớn được các vị đại biểu Quốc hội quan. Một số ý kiến đề nghị bổ sung khu công nghiệp, khu công nghệ cao phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy phong trào thể dục, thể thao trong công nhân.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng không nên bổ sung quy định này vì khu công nghiệp, khu công nghệ cao là nơi tập trung cho sản xuất nên quỹ đất chủ yếu được ưu tiên bố trí phục vụ mục đích sản xuất. Bên cạnh đó, tại Khoản 1 Điều 65 Luật Thể dục, thể thao hiện hành đã có quy định trong quy hoạch xây dựng trường học, đô thị, khu dân cư, doanh trại đơn vị vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao. Bổ sung khu công nghiệp, khu công nghệ cao vào dự thảo Luật sẽ dẫn đến việc công trình thể thao vừa phải được bố trí ở khu dân cư (nơi sinh sống), vừa phải được bố trí ở nơi làm việc. Việc bố trí công trình thể thao ở cả hai nơi sẽ gây lãng phí và khó khả thi, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc bố trí quỹ đất, xây dựng, vận hành, quản lý và phát huy hiệu quả sử dụng của các công trình này.
Liên quan đến vấn đề về đặt cược thể thao, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định về đặt cược thể thao; giao Chính phủ quy định chi tiết và ban hành danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược.
Một số ý kiến khác cho rằng, cần có thời gian đánh giá, tổng kết Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24.01.2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế trước khi quy định trong Luật để bảo đảm tính khả thi của điều luật.
Ngoài ra, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới trong hoạt động thể dục, thể thao; bổ sung chính sách đặc thù cho vận động viên nữ, huấn luyện viên nữ; đề nghị xây dựng một điều luật rõ ràng về giải thích từ ngữ; có những quy định rõ ràng hơn về thúc đẩy phát triển thể dục, thể thao quần chúng, cũng như những chính sách khuyến khích đầu tư, xây dựng, khai thác các công trình thể dục, thể thao phục vụ hoạt động thể dục, thể thao quần chúng, đặc biệt phục vụ cho trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi.
Theo Nguyễn Hoàng (Chinhphu.vn)