TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
Cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập
Chiều 31.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Ðây là dự án Luật được cử tri đặc biệt quan tâm và còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý nên Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp.
ĐB Nguyễn Phi Long phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 31.5.
Các đại biểu (ĐB) tranh luận sôi nổi về 4 vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau: việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước; về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32); về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37); về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý (Điều 59).
Về đối tượng kê khai tài sản thu nhập, theo ĐB Nguyễn Phi Long (Đoàn Bình Định), Dự thảo Luật quy định cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập là phù hợp để dễ giám sát, kiểm tra và nâng cao ý thức phòng, chống tham nhũng. Quy định này cũng thể chế hóa quan điểm của Đảng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) là “tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản”.
Điều 59 dự thảo Luật quy định “Trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm đó và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập gửi Kết luận xác minh tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm”. ĐB Long cho rằng quy định mới này không có tính khả thi, còn băn khoăn về khái niệm “không giải trình được một cách hợp lý”. Từ đó, ông Long đề nghị Ban soạn thảo phải định nghĩa rõ hơn về khái niệm này.
ĐB Long đề xuất Luật cần quy định theo hướng thời điểm để xác định “tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm” được thực hiện kể từ khi Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có hiệu lực (Dự thảo quy định kể từ ngày 1.7.2019). “Nếu trong trường hợp người có tài sản kê khai không chứng minh được nguồn gốc hoặc giải trình không rõ ràng mà cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ căn cứ để xác định tài sản có được do hành vi tham nhũng mà có thì phải tịch thu, xử lý trách nhiệm hình sự chứ không chỉ đánh thuế cao (thuế thu nhập cá nhân) ở mức 45% và nên quy định theo thủ tục giải quyết tại tòa án”, ĐB Long đề xuất bổ sung.
SỸ NGUYÊN