Ám ảnh kỳ nam
Trong nhiều thiên cổ tích, phổ biến mô típ người hóa thành cây, cây hóa thành người như những chu trình hóa thân kỳ diệu để ẩn thân, để tháo gỡ bế tắc, để kết nối lương duyên. Man Nương, Tấm Cám, Nàng Út ống tre, Sự tích nữ thần Po Nagar… là những trường hợp như vậy. Mỗi cuộc hóa thân là một trải nghiệm đầy oan trái, hàm chứa những ẩn số xã hội phức tạp mà người xưa muốn gửi đến muôn sau.
Trong Sự tích nữ thần Po Nagar, người con gái vườn dưa trong cơn hờn dỗi cha già đã hóa thân vào khúc gỗ kỳ nam mặc cho dòng nước cuốn ra biển trôi dạt vào bờ Bắc Hải. Hàng trăm người tìm đủ cách vớt khúc gỗ quý nhưng không khiêng nổi, trong khi đó vị hoàng tử khôi ngô lội xuống nước, chỉ đưa tay là dìu được khúc gỗ vào bờ rất nhẹ nhàng rồi đem về cung. Đó là hồn cây hay hồn thần nữ ẩn trong cây bắt được sự giao cảm âm thầm với hoàng tử? Sự giao cảm ấy là gì mà chàng quyến luyến khúc gỗ thơm chẳng mấy khi rời. Sự giao cảm ấy là gì mà vào những đêm khuya, chàng mơ hồ thấy một bóng người yểu điệu khói sương thấp thoáng, và chỉ riêng chàng thấy thôi, có tiếng động lạ ảo ảnh liền tan biến. Có chăng một chập chờn ám ảnh, có chăng một khao khát khám phá và chiếm hữu, khiến một người thân làm hoàng tử mà phải hồi hộp đợi chờ, ẩn nấp, đuổi hình bắt bóng?
Và trong một đêm trăng, bóng mỹ nhân vừa hiển hiện thì chàng ôm choàng lấy ngay. Vòng ôm say mê của người trai khiến thần nữ mất phép biến hình, không thể trốn vào cây được nữa. Họ thành vợ thành chồng, sinh con đẻ cái. Cho đến một ngày nàng động lòng nhớ cố hương, lại ôm con biến thân vào gỗ trầm, theo dòng nước hướng tìm ngôi nhà xưa nơi mé núi dạt về.
Truyện chỉ nói có thế thôi, nhưng hẳn là đã diễn ra một nhạt phai để nàng cảm thấy bơ vơ bất định. Khi người ta bơ vơ không chốn nương thân, hình bóng cố hương với những kỷ niệm ấm êm là điểm tựa cội nguồn.
Khúc gỗ kỳ nam mang trong nó ngụ ngôn của người xưa về sức mạnh tình yêu đôi lứa. Nếu sự khao khát yêu thương khiến vật vô tri cũng rung động, bứt gốc bứt rễ ra đi, thì hậu quả khủng khiếp của sự tan vỡ tình yêu lại làm cho con người trở nên tê dại, biến thành gỗ đá.
Vì tình mà thoát khỏi cây, rồi vì dứt tình mà lại nhập vào cây để phân ly. Biết bao là lạ lùng, biết bao là hạnh phúc và đau đớn trong mối kỳ duyên ấy?
Đoạn kết câu chuyện thật buồn. Khi nàng đem hai con trở về, cha mẹ đã khuất núi. Nàng sống với dân làng, dạy họ canh tác, lễ nghi, phép tắc, rồi một đêm kia cùng hai con theo hạc trắng về trời. Ít lâu sau, một đoàn thuyền chở quân binh phương Bắc theo lệnh thái tử đi tìm nàng. Tìm không được người cần tìm, chúng trút giận lên những người vô tội. Tiếng oán than của người dân xé trời cao. Những kẻ ngoại bang bạo ngược còn cưa khúc gỗ kỳ nam làm ba, toan đem về báo nộp thái tử. Khi chúng giong thuyền, nàng hiển linh nổi cuồng phong trừng phạt, toàn bộ đám quân binh tàn ác và thuyền bè của chúng đều bị đập tan thành bọt sóng.
Nàng được người Chăm bản địa tôn vinh bằng thần hiệu Po Nagar (tiếng Chăm nghĩa là Bà Mẹ xứ sở, còn gọi là Bà chúa Xứ); người Việt gọi là nữ thần Thiên Y A Na. Ba khúc gỗ kỳ nam được cho là hóa thân của ba mẹ con nàng được rước về thờ tại tháp Bà, Nha Trang, lâu dần hóa thạch.
U tình có thể giấu tận đáy tim, nhưng không thể dung thứ cho những kẻ bước qua chữ tình và làm điều phi nghĩa. Mùi kỳ nam, có phải vì vậy mà thơm mãi, mùi thơm ám ảnh thiên thu?
Tản văn – Trần Thị Huyền Trang