Thức ăn đường phố: Tiện lợi nhưng thiếu an toàn
Với ưu điểm nhanh, gọn, rẻ, thức ăn đường phố trở thành sự lựa chọn của nhiều người, nhất là những lao động có thu nhập thấp, sinh viên... Tuy nhiên, thức ăn đường phố lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm do khâu lựa chọn nguyên liệu cũng như quá trình chế biến không đảm bảo.
Dù chật chội, bụi bẩn nhưng thức ăn đường phố vẫn thu hút đông đảo thực khách.
“Hấp dẫn” thực khách
Tại Quy Nhơn, có thể thấy nhiều hàng quán ăn uống được bày bán khắp nơi phục vụ nhu cầu ăn uống ngày càng tăng của nhiều đối tượng. Có thể nói, giá thành vừa rẻ, món ăn đa dạng, thực khách tha hồ chọn lựa từ bữa ăn chính cho đến đồ ăn vặt như mực, cá viên chiên, xe đẩy trái cây... Bạn Nguyễn Thị Diễm, 22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết: “Thức ăn đường phố có nhiều món, lại rẻ, ngon, dễ thay đổi món ăn và cũng đỡ ngán”.
Việc buôn bán TAĐP khá đơn giản, chỉ cần sắm một chiếc xe đẩy, vài bộ bàn ghế nhựa là đã có thể bày ra một quán ăn sẵn trên vỉa hè nên ý thức của người bán cũng là điều đáng lưu ý. Đa số dụng cụ chứa thức ăn không đạt tiêu chuẩn, thức ăn phần lớn không được che đậy hay che đậy sơ sài, người bán hàng dùng tay trần để chế biến, hay có bao tay nhưng vẫn cầm tiền rồi bốc thực phẩm... Những điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Đi dọc những con đường được cho là khu phố ăn uống của Quy Nhơn như Ngô Văn Sở, Ngọc Hân Công Chúa, Nguyễn Thị Minh Khai... đều dễ nhìn thấy hàng quán được bày bán hai bên đường.Và nếu để ý sẽ thấy rất nhiều trong số đó thức ăn không được che đậy cẩn thận, bụi bặm, ruồi nhặng đậu, bám, nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất cao.
Vừa qua, khi kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP phường Trần Phú phát hiện một loạt cơ sở TAĐP không đảm bảo VSATTP như quán phở Hồng, ở đường Ngọc Hân Công Chúa, quán mực cá rim của chị Trương Thị Hương, quán nem chả, bánh khọt của chị Nguyễn Thị Kim Loan… được bày bán trên vỉa hè đường Ngô Văn Sở. Khi Đoàn kiểm tra về thủ tục giấy tờ theo quy định về an toàn thực phẩm như giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm thì chị Lê Thị Ánh Hồng, chủ quán phở Hồng phân trần: “Do bận bịu công việc nên tôi quên đi khám sức khỏe và đăng ký tập huấn. Sau đợt kiểm tra này, tôi sẽ đi khám sức khỏe và đăng ký tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Còn nhiều khó khăn
Để ngăn ngừa các nguy cơ về VSATTP, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm của các phường, xã thi thoảng cũng kiểm tra, nhắc nhở và xử lý vi phạm ở các hàng, quán TAĐP. Tuy nhiên, sức tác động, hiệu quả của hoạt động này rất hạn chế.
Bác sĩ Cao Thị Mỹ Hòa, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm của phường Trần Phú, chia sẻ: “TAĐP đa phần là những cơ sở dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, hàng rong, tự phát, thường xuyên thay đổi theo thời vụ và đổi chủ liên tục. Nhận thức của người kinh doanh, chế biến thực phẩm còn hạn chế, việc chấp hành các quy định về VSATTP còn chưa tốt!”.
Chia sẻ vấn đề này, ông Đào Đô My, Trưởng Phòng Y tế TP Quy Nhơn, cho biết: “Theo kế hoạch công tác của Phòng Y tế thì mỗi năm, chúng tôi tổ chức kiểm tra định kỳ 4 đợt: Tết Nguyên đán, Tháng hành động VSATTP, Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Tết Trung thu. Do số lượng sản xuất, kinh doanh TAĐP không cố định và theo mùa vụ, đổi chủ liên tục, nguồn nhân lực để tổ chức kiểm tra, quản lý thiếu, trong khi đó một vài chỗ người dân không hợp tác cho nên rất khó trong công tác quản lý, theo dõi. Việc xử phạt hành chính cho những cơ sở vi phạm không dễ dàng. Công tác tập huấn cho người bán TAĐP cũng rất khó khăn dù phí tập huấn, phí khám sức khỏe đều được hỗ trợ”.
Nhằm nâng cao chất lượng TAĐP, UBND TP Quy Nhơn đang triển khai kế hoạch: “Sắp tới thành phố triển khai phường Trần Phú trở thành phố ẩm thực, chủ yếu là TAĐP. Theo đó, thành phố sẽ đẩy mạnh tập huấn, hỗ trợ người dân khám sức khỏe, bảng hiệu, đường sá, vỉa hè, đóng quầy bán... toàn bộ miễn phí” - ông Đào Đô My cho biết thêm.
THẢO KHUY - THU PHƯƠNG