TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI
QL 1 qua Bình Ðịnh hư hỏng: Không thể đổ do khách quan!
Mở đầu phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV ngày 4.6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trả lời nhiều vấn đề nóng, trong đó nổi bật là xử lý những bất cập đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Phó Trưởng đoàn ÐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
ĐB Lý Tiết Hạnh chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.
Truy trách nhiệm đến cùng
Là một trong những đại biểu (ĐB) chất vấn đầu tiên, ĐB Lý Tiết Hạnh cho hay đoạn QL 1 qua Bình Định có vai trò quan trọng trên trục Bắc - Nam, hoàn thành năm 2015 nhưng nhiều đoạn đã xuống cấp, qua nhiều lần sửa chữa vẫn “xấu nhất cả nước”. Vấn đề đặt ra là Bộ GTVT sẽ triển khai sửa chữa những đoạn đường xấu như thế nào trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, sau khi hoàn thành, đoạn QL 1 qua Bình Định trải qua thời tiết khắc nghiệt, 2 năm 2016 - 2017 bão lũ nhiều, lớn, nước ngập tràn qua đường nên ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình trạng xe quá khổ, quá tải cũng chưa được xử lý nghiêm khiến đoạn đường hư hỏng nặng. Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan duy tu sửa chữa để có mặt đường tốt nhất. Tuy nhiên, việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn (chỉ đáp ứng được 30%) nên mặt đường chưa đạt yêu cầu.
Không đồng ý với phần trả lời này, ĐB Lý Tiết Hạnh tranh luận: “Tôi cũng hiểu thời tiết gây ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường sau khi xây dựng. Nhưng QL là đường vĩnh cửu, tại sao lại có chuyện QL 1 qua Bình Định khởi công năm 2014, hoàn thành 2015, đến năm 2016 đã hư hỏng toàn tuyến. Hơn nữa, xe quá tải trọng không chỉ đi qua Bình Định, tại sao QL 1 qua Quảng Ngãi, Phú Yên vẫn còn tốt? Bộ trưởng nói rằng cần chờ kinh phí để sửa chữa, vậy người dân Bình Định phải chờ đến bao giờ?”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, mỗi dự án đều có ban quản lý dự án theo dõi và nhà thầu triển khai. Ông thừa nhận, ngoài thời tiết khắc nghiệt, lưu lượng xe lớn thì việc xuống cấp của QL 1 qua Bình Định cũng có trách nhiệm của các nhà thầu. Bộ GTVT và Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra dự án này và có kết luận, lỗi nào của nhà thầu sẽ xem xét xử lý trách nhiệm đúng quy định.
Người đứng đầu ngành GTVT cũng cho biết sẽ xin ý kiến Chính phủ dùng quỹ bảo trì đường bộ để tập trung nâng cấp, duy trì tình trạng tốt cho QL 1A qua Bình Định. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ thì cần cả sự quan tâm của Quốc hội, bởi dự án nào huy động vốn hơn 1.000 tỉ đồng thì phải thông qua Quốc hội. “Tôi mong người dân thông cảm”, ông Thể nhiều lần nhắc lại câu nói này.
Trao đổi với PV Báo Bình Định sau phiên chất vấn, ĐB Lý Tiết Hạnh chia sẻ chưa hài lòng về phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Bà Hạnh cho rằng, Bộ GTVT phải làm rõ trách nhiệm cụ thể khi để xảy ra tình trạng QL 1 qua Bình Định xuống cấp nặng nề để xử lý kiên quyết, dứt điểm, không đổ lỗi cho khách quan. “Đó là chưa kể, người dân đi đường hư mà vẫn trả tiền, sao tránh khỏi bức xúc”, bà Hạnh bày tỏ.
“Mật độ trạm BOT dày đặc”
Trong phần chất vấn của mình, ĐB Lý Tiết Hạnh cũng cho hay trên QL 1 qua địa bàn Bình Định dài hơn 129 km, cộng với QL 19 dài 60 km, nhưng có đến 3 trạm thu phí BOT. “Số lượng trạm BOT như thế có nhiều quá không? Có làm tăng chi phí vận chuyển và làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế hay không”, ĐB Hạnh đặt vấn đề.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết trong quá trình triển khai các dự án giao thông BOT, Bộ đã bám sát quy định cự ly 2 trạm BOT trên cùng một tuyến QL phải bảo đảm cách nhau tối thiểu 70 km, còn dưới 70 km thì phải có ý kiến của chính quyền địa phương và Bộ Tài chính.
“Chúng tôi thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng cũng thừa nhận mật độ các trạm BOT dày đặc, trong khi đời sống người dân còn khó khăn, làm tăng giá thành vận tải. Mong người dân Bình Định thông cảm; chúng tôi sẽ ưu tiên giảm giá!”, Bộ trưởng nói.
NGUYỄN VĂN TRANG
Trả lại tên “trạm thu phí”
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết đang rà soát để thay đổi tên gọi trạm BOT cho đúng với bản chất và cố gắng sớm nhất báo cáo Chính phủ tên mới. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Việc đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí tôi thấy không cần phải nghiên cứu và trình. Tôi thấy trở về tên cũ là được, đợi trình Chính phủ lâu lắm!”.
Cần xây dựng, phổ biến công nghệ xử lý rác thải
Chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vào chiều 4.6, ÐB Lê Công Nhường cho rằng, việc xử lý rác thải còn bất cập do thiếu hướng dẫn, vượt quá khả năng của chính quyền địa phương cũng như gây lãng phí vì đầu tư công nghệ xử lý chưa đạt. “Sau kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, cử tri đã kiến nghị Bộ TN&MT và Bộ KH&CN tham mưu Chính phủ ban hành quy định hướng dẫn lựa chọn công nghệ xử lý rác thải và giới thiệu mô hình để các địa phương thực hiện. Ðến nay, 2 Bộ đã thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?”, ông Nhường đặt vấn đề.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận ô nhiễm do rác thải là vấn đề hết sức bức xúc và nhận hoàn toàn trách nhiệm. Ông Hà cho biết, Bộ TN&MT và Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng ban hành Chiến lược Quản lý tổng hợp chất thải (sửa đổi) trong tháng 5.2018. Trong đó, đặc biệt chú trọng công nghệ xử lý rác; kiểm soát rác thải nhựa, coi rác thải là nguồn tài nguyên. Ở tỉnh Hà Nam hiện có mô hình chuyển rác thải thành năng lượng điện, Bộ TN&MT cùng Bộ KH&CN sẽ đánh giá, thẩm định và công bố để các địa phương biết. “Song, vấn đề quan trọng là phải tạo phong trào toàn dân phân loại rác thải ngay từ đầu nguồn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.