Liên hoan Tiếng hát tuổi thơ Bình Ðịnh 2018: Nhiều ấn tượng sâu sắc
Có thể nói Liên hoan Tiếng hát tuổi thơ Bình Ðịnh 2018 với chủ đề “Bay cao tiếng hát ước mơ” là sân chơi lớn cho những giọng ca cấp tiểu học, THCS trong toàn tỉnh. Liên hoan lần này được quan tâm, đầu tư bài bản từ các đơn vị tham gia cho đến Ban Tổ chức. Vì vậy, không khó để giải thích vì sao Liên hoan tạo được nhiều ấn tượng trong công chúng.
Hầu hết các tiết mục dự Liên hoan Tiếng hát tuổi thơ Bình Định 2018 được chuẩn bị công phu từ luyện tập giọng hát, đến trang phục, dàn dựng.
Như tên gọi của sự kiện, thí sinh dự Liên hoan còn nhỏ tuổi. Nhưng ở nhiều góc độ, các em đã thể hiện được lòng tự hào về bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam, từ những ca khúc được chọn trình diễn (Tiếng đàn Talư, Mái trường Tây Nguyên, H’ren lên rẫy, Cô giáo em là hoa ê ban...); cho đến trang phục như áo dài, áo bà ba, áo tứ thân... với nhiều tiết mục múa minh họa đậm nét dân gian. Điển hình như tiết mục Em đi giữa biển vàng (nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ thơ Nguyễn Khoa Đăng) do thí sinh Phạm Việt Hà và đội múa thể hiện (tiết mục của đơn vị Tuy Phước). Có lẽ nhờ đến từ quê lúa Tuy Phước, nên không chỉ giọng hát vui tươi, chân chất, thể hiện được sự mênh mông của những cánh đồng quê, mà cả phần minh họa cũng tự nhiên, sinh động, mô phỏng từ những trò chơi dân gian của trẻ con, khiến người xem ồ lên hào hứng.
Trình diễn xong tiết mục của mình - ca khúc Mái trường Tây Nguyên - bên cánh gà sân khấu, thí sinh Trần Thị Ánh Ngọc đến từ Trường THCS Huỳnh Thị Đào (Vĩnh Thạnh) chia sẻ: “Biểu diễn ca khúc đầy màu sắc núi rừng, mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, em muốn gởi gắm đến các bạn là đừng phân biệt vùng miền, chúng em rất muốn làm quen, kết bạn và chia sẻ mọi điều với các bạn ở miền xuôi, vùng biển”.
Cũng đến từ một huyện miền núi, thí sinh Nguyễn Đặng Yến Linh (Trường Tiểu học An Hòa 2, An Lão) bày tỏ: “Bài hát em chọn trình bày - Cô giáo về bản - là một bài hát đã tập, chuẩn bị từ lâu rồi. Em hát bài này để bày tỏ lòng biết ơn những thầy cô từ miền xuôi lên An Lão dạy dỗ chúng em”.
Thành công của Liên hoan còn được thể hiện qua những điệu dân ca êm ả, ngọt ngào như ca khúc Đêm trăng nhớ Bác do em Võ Nguyễn Thanh Thủy, Trường THCS Phước Hưng (Tuy Phước) trình bày. Tiết mục này đã đạt giải nhất khối THCS và giải thí sinh hát dân ca, truyền thống hay nhất. Bên cạnh đó, điểm đáng vui mừng là Liên hoan đón nhiều tiết mục chịu ảnh hưởng đậm nét từ những điệu hò, điệu lý quê hương.
Có thể nói, đây là một kỳ liên hoan thành công lớn, tất cả các đơn vị dự thi đến từ 11 huyện, thị xã, thành phố đều chuẩn bị công phu, tỉ mỉ, các tiết mục được dàn dựng bài bản. Ông Huỳnh Hiệp An - hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Trưởng Phòng Quản lý văn hóa, Sở VH&TT, Trưởng Ban giám khảo - đánh giá: “Chất lượng của Liên hoan lần này rất tốt, các em chọn được nhiều bài hát phù hợp với lứa tuổi, thể hiện tròn trịa, hồn nhiên. Không chỉ các huyện, thị đồng bằng mà cả các đơn vị ở miền núi còn nhiều khó khăn cũng nỗ lực tham dự đủ, chuẩn bị chu đáo. Cũng còn một vài chệch choạc khó tránh khỏi, nhưng tất cả đều đã được góp ý chân thành để lần Liên hoan sau thành công sẽ lớn hơn!”. Ông Trương Đông Hải, Phó Giám đốc Sở VH& TT, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan, cho biết: ”Qua liên hoan, chúng tôi sẽ sàng lọc, tìm kiếm những nhân tố mới để có hướng bồi dưỡng, tạo hạt nhân cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở trường học nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung”.
THẢO KHUY