Cảnh giác với giặc lửa!
Câu chuyện cháy Trung tâm Thương mại (TTTM) Hải Dương đêm 15.9, với thiệt hại bước đầu tạm tính lên đến 500 tỉ đồng, đã khiến cho hơn 500 tiểu thương có quầy sạp kinh doanh tại đây trong phút chốc phải lâm vào cảnh trắng tay. Cách đây 7 năm, vụ cháy chợ lớn Quy Nhơn cũng đã để lại hậu quả tương tự.
Sau khi sự cố xảy ra, hàng loạt các yếu kém, bất cập được nêu ra như: công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của địa phương quá yếu kém; vấn đề bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm tài sản bị xem nhẹ; công tác quản lý, bảo vệ quá kém…, nên đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho người dân. Bên cạnh việc không quan tâm đầu tư, trang bị hệ thống chữa cháy thì việc nhiều năm dài không hề tổ chức một lớp tập huấn nào về công tác PCCC cho đơn vị và bà con tiểu thương đã cho thấy sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác PCCC ở đây.
Từ vụ cháy này, một lần nữa chúng ta lại thấy cháy luôn là hiểm họa khôn lường, gây thiệt hại nặng cho con người, tài sản. Chính vì vậy, vấn đề nổi cộm đặt ra cho các cơ quan chức năng và cộng đồng là không thể chủ quan, xem nhẹ công tác PCCC, đặc biệt ở các chợ, khu TTTM, là nơi tập trung đông người, hàng hóa. Đây cũng là hồi chuông báo động để các cấp ngành, các địa phương tăng cường rà soát, kiểm tra chấn chỉnh những thiếu sót, hoàn thiện các phương án PCCC trên địa bàn; bảo đảm hiệu quả, kịp thời, hạn chế thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân đến mức thấp nhất. Là một địa phương phát triển, có nhiều khu, cụm công nghiệp, nhà xưởng, kho tàng, TTTM, nhà phố cao tầng… vấn đề cấp thiết đặt ra là các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC ở các doanh nghiệp, chợ và các cơ sở kinh doanh có điều kiện, kịp thời chấn chỉnh thiếu sót; đồng thời tổ chức định kỳ huấn luyện kỹ thuật chữa cháy cho đội ngũ ở cơ sở; cần thường xuyên vận động tuyên truyền trong cộng đồng ý thức cảnh giác, ngăn ngừa cháy; xây dựng tổ chức PCCC ở từng cơ sở; nâng cao năng lực chữa cháy cho lực lượng chuyên nghiệp, có phương án phối hợp PCCC … nhằm kịp thời xử lý sự cố ngay khi vừa mới xảy ra, không để lửa bùng phát gây cháy lớn, cháy lan.
Hiểm họa từ cháy là vô cùng đáng sợ! Bài học rút ra từ vụ cháy TTTM Hải Dương và các vụ cháy chợ ở nhiều địa phương trong cả nước là bà con tiểu thương nếu không muốn trắng tay, phá sản nếu xảy ra rủi ro như hỏa hoạn, thiên tai bất khả kháng thì cần quan tâm đến việc mua bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm tài sản. Nếu có bảo hiểm thì khi gặp phải sự cố rủi ro sẽ có bảo hiểm chi trả các thiệt hại theo hợp đồng.
Hãy nhớ, chỉ sau một cơn hỏa hoạn bất kỳ thì trong phút chốc cơ nghiệp của cả một đời người nhọc nhằn tích lũy đã trở thành tro bụi. Các cụ đã răn dạy “thủy hỏa đạo tặc”, cơn hung hãn của giặc lửa chẳng chừa bất kỳ ai và bất cứ nơi nào nếu chúng ta lơ là mất cảnh giác hay coi thường nó!
Vũ An Ninh
Nhiều người lâu nay cứ thắc mắc là tại sao chính phủ lại lấy ngày 4/10 hàng năm là ngày toàn dân PCCC, mắc gì mùa mưa mà đi phát động PCCC, sao không lấy mùa khô? Xin thưa với quí vị rằng, thực tế tại VN ta, rất nhiều vụ cháy nhà dân, công sở, công ty, xí nghiệp SX....đều là vào mùa mưa. Chợ Hải Dương, chợ lớn Qui Nhơn là 2 điển hình cháy vào mùa mưa. Chợ Qui Nhơn cháy hồi tháng 12. Hoặc năm nào mấy công ty gỗ trong KCN Phú Tài cũng cháy trong mùa mưa. Nguyên nhân rất đơn giản, mùa mưa là mùa chập điện nhiều nhất, độ ẩm cao tại các mối điện hở dễ xảy ra phóng tia lửa điện gây cháy...Ngoài ra, còn có nguyên nhân bị cúp điện, thắp đèn dầu, thắp nến, đốt than sưởi ấm...sơ ý gây ra cháy !