Nơi niềm tin neo lại
Nhắc đến Lý Sơn (Quảng Ngãi), ta nghĩ ngay đến quê hương của Hải đội Hoàng Sa. Ở đó đang lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng của đội hùng binh, một thời tay không chèo thuyền ra khơi giữ gìn biên giới quốc gia. Ở đó, thuyền vẫn ra khơi, vừa tìm nguồn sống, vừa giữ gìn niềm tin về sự toàn vẹn lãnh thổ.
Những ngày tháng 3 hừng hực khí thế thanh niên, 28 cán bộ, đoàn viên thanh niên của Đoàn khối Các cơ quan tỉnh đã chọn Lý Sơn làm điểm đến trong hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương”. Chỉ chưa đầy 3 ngày, nhưng hành trình đã để lại trong mỗi người những ấn tượng riêng về đảo thiêng giữa biển khơi.
Đảo thiêng Lý Sơn.
Đến với đảo thiêng
Đó là một hành trình đặc biệt, đặc biệt ngay từ thời điểm xuất phát: 2 giờ sáng. Bởi, chúng tôi phải có mặt ở cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn) trước 7 giờ 30 - giờ xuất bến của chuyến tàu cao tốc duy nhất trong ngày đi Lý Sơn. Suốt chuyến đi, tôi ngồi trên boong tàu, trò chuyện cùng những hành khách với chất giọng đặc sệt chất Quảng. Họ giới thiệu về “đảo của mình” với tất cả niềm tự hào. Một người đàn ông đậm người, ra chiều am hiểu về đời sống của người dân xứ đảo, đặc biệt hào hứng khi kể về ý chí kiên cường của ngư dân suốt chiều dài lịch sử. Mãi đến khi tàu gần cập bến, tôi mới được biết, anh là Phan Đình Phương, Chủ tịch UBND xã An Bình (nằm trên đảo Bé).
“Mỗi lần được tiếp một đoàn khách là một lần chúng tôi cảm nhận được tình cảm từ đất liền. Tình cảm ấy là động lực để chúng tôi tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ vùng biển trong tình hình mới”.
Thượng tá NGUYỄN THÀNH ĐỊNH, Chính trị viên Huyện đội Lý Sơn
Tôi mang theo niềm tự hào của một người con Lý Sơn khi vào thăm Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải nằm ngay giữa trung tâm huyện lỵ. Ở đó, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy nhiều hiện vật còn lại của những đoàn binh phu từng vượt gió đạp sóng ra đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Những vật dụng rất đỗi gần gũi như trã đất, nồi đất, nồi đồng dùng để nấu ăn được trưng bày trang trọng trong tủ kính.
Cùng với đó là rất nhiều tư liệu khẳng định bờ cõi của đất Việt trên biển, như ảnh biển chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa chụp năm 1930; bản đồ “Phía đông Ấn Độ và những vùng lân cận” xác định rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam, xuất bản tại Luân Đôn (Anh) năm 1969... Khi xe rời cổng, tôi đã thoáng rùng mình khi ngẩng lên, nhận thấy vẻ hào hùng, bi tráng từ Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải sừng sững giữa đất trời.
Và, niềm xúc cảm ấy càng dâng cao khi chúng tôi đến Đình làng An Vĩnh (thôn Đông, xã An Vĩnh) - nơi tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hằng năm vào tháng 2 âm lịch, Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa với những ngôi mộ gió của những người đi mãi không về. Hơn hết, đoàn đã đến thăm 5 gia đình của những người từng tổ chức, tham gia Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải: Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết, Nguyễn Quang Tám và Đặng Văn Siểm. Những hậu duệ của đội hùng binh khi xưa sẵn lòng kể hết những điều mình nghe, mình biết về những chuyến ra khơi của cha ông.
Đi, nghe và thấy để hiểu những mất mát, hy sinh của lớp người đi trước, những người trẻ lại thấy mình như có trách nhiệm hơn với cuộc sống hôm nay. Thế nên, khi đến với Lý Sơn, chúng tôi đã thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội, để thể hiện sự chung sức, đồng lòng với người dân đảo tiền tiêu. Lực lượng khá mỏng, chúng tôi vẫn chia nhau ra, để vừa thăm, tặng quà các gia đình chính sách, lại vừa khám mắt, phát thuốc, tặng quà cho học sinh trên đảo. Và, khi nắng dần tắt, chúng tôi thành kính thắp nến dâng hương tri ân ở Nghĩa trang liệt sĩ Lý Sơn.
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải sừng sững giữa đất trời.
Neo giữ niềm tin
Ở Lý Sơn hôm nay, thôn Đông, xã An Vĩnh là nơi có nhiều nhất những di tích liên quan đến Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Nằm sát bờ biển là Đình làng An Vĩnh, nơi tập trung lòng ngưỡng vọng của không chỉ người dân Lý Sơn. Ông Võ Văn Ở là người thứ 3 tiếp quản việc trông coi đình làng. Năm nay đã 70 tuổi, nhưng ngày nào ông cũng quét dọn, khói hương đều đặn, như một cách tỏ lòng biết ơn tiền nhân. Ông chia sẻ tin vui, từ năm nay, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ được UBND tỉnh Quảng Ngãi đứng ra tổ chức, góp phần nâng tầm lễ hội đậm chất văn hóa biển, đảo và tôn vinh những đóng góp của các thế hệ cư dân Lý Sơn, khẳng định chủ quyền và bảo vệ biển, đảo Việt Nam.
Cách Đình làng An Vĩnh không xa là nhà thờ Phạm Quang Ảnh, người được ngư dân Lý Sơn thờ cúng như một Thành hoàng. Nhà thờ hiện nay do ông Phạm Quang Tỉnh, hậu duệ đời thứ 5 trông coi. Bên chén trà buổi sáng, ông Phạm Quang Tỉnh và người anh Phạm Quang Xã bồi hồi kể về lịch sử, về những kỷ vật của tổ tiên chỉ được giở ra mỗi năm một lần vào dịp “tế xuân” của dòng tộc (10.2 âm lịch hằng năm).
“Tham gia hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” tại huyện đảo Lý Sơn là một hoạt động bổ ích, giúp đoàn viên, thanh niên nâng cao nhận thức về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, về vị trí đặc biệt quan trọng của biên giới, biển đảo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước. Qua đó, xác định trách nhiệm của tuổi trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Anh ĐOÀN VĂN NHƠN, Phó Bí thư Đoàn khối Các cơ quan tỉnh
“Năm 1815 (tức năm Gia Long thứ 14), theo lệnh Triều đình, Cai đội Phạm Quang Ảnh đã dẫn đầu Hải đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, đo đạc thủy trình từ đất liền đến quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phụ cận. Mỗi người trong đội được cấp 6 tháng lương thực và 1 chiếc chiếu, 3 sợi dây mây, 7 nẹp tre và 1 thẻ bài ghi tên, để phòng khi rủi ro mất mạng thì bó xác lại và thả xuống biển, may ra có người vớt chôn cất mà biết tên họ”, ông Tỉnh cho biết.
Một điều dễ nhận thấy là, thế hệ con cháu của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa đều rất kính trọng tiền nhân, hết lòng thờ phụng, khói hương. Đến nay, điện lưới quốc gia vẫn chưa đến được Lý Sơn. Hằng ngày, máy phát điện trên đảo chỉ hoạt động từ 17 đến 23 giờ. Vậy nhưng, trên bàn thờ cụ Võ Văn Khiết ở thôn Tây, xã An Vĩnh, vẫn luôn có ngọn đèn điện được thắp sáng từ chiếc bình sạc. Cai đội Võ Văn Khiết chính là người đầu tiên trên đất đảo Lý Sơn ra Hoàng Sa năm 1786.
Với những người trẻ, họ có cách tiếp cận riêng với truyền thống quê hương. Bí thư xã đoàn An Vĩnh Phạm Văn Hậu là hậu duệ đời thứ 13 của cụ Phạm Hữu Nhật, chia sẻ: “Mỗi lần Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức, tôi thường được giao nhiều vai như quân hầu khi làm lễ, táo quân khi báo cáo kinh tế biển... Mỗi lần như thế, chúng tôi lại được sống trong không khí linh thiêng, tự thấy mình có trách nhiệm tiếp nối truyền thống cha ông, ra sức giữ gìn biển đảo Tổ quốc”.
Lý Sơn là một đảo nhỏ, chẳng mất nhiều thời gian để đi khắp một vòng. Trên hành trình của mình, tôi không khỏi ám ảnh bạt ngàn những ngôi mộ. Trên mảnh đất vỏn vẹn chưa đầy 10 cây số vuông ấy, chẳng ai đếm nổi những ngôi mộ nơi rải rác, nơi dày đặc. Mộ ken dày dưới chân núi Giếng Tiền cổ kính, gần gụi bên hiên nhà, hay ẩn hiện giữa những đám tỏi mơn mởn xanh. Và, chẳng thể nào biết được, bao nhiêu trong số đó là những ngôi mộ gió của những người trong Hải đội Hoàng Sa đã hòa mình vào sóng biển...
Trên bản đồ nước Việt, Lý Sơn là nơi gần Hoàng Sa nhất. Tự bao đời, vùng biển Hoàng Sa là ngư trường chủ yếu của ngư dân Lý Sơn. Dù những ngôi mộ gió ở Lý Sơn vẫn không ngừng tăng lên. Dù ngoài kia tàu của ngư dân Lý Sơn vẫn bị rượt đuổi. Nhưng có hề gì, mỗi một chiếc tàu cá của ngư dân ra khơi là một lời khẳng định đanh thép về chủ quyền biển đảo. Những chuyến tàu vẫn trực chỉ Hoàng Sa, với niềm tin trọn vẹn, sắt đá rằng HOÀNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM.
Đoàn viên thanh niên Khối Các cơ quan tỉnh thành kính trước bàn thờ cụ Võ Văn Khiết.
Giữ hồn cho đảo
Những ngày rong ruổi ở Lý Sơn, tôi ấn tượng mãi với bóng bàng vuông hiện diện khắp nơi trên đảo. Trước chùa Hang là hai cây bàng cổ thụ rợp bóng. Dọc bờ biển, ngay trước Đình làng An Vĩnh là những cây bàng non đang nhú mầm. Ở mỗi bến cá đều có những ngọn bàng mơn mởn. “Những cây bàng này lấy giống từ Trường Sa về. Chỉ có chúng mới chịu nổi cái nắng khô, cái gió rát của đất này”, ngư dân Đặng Văn Tăm, ở thôn Tây, xã An Vinh, quả quyết.
Với sức sống mãnh liệt, bàng vuông ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở Lý Sơn. Dọc con đường lớn ở trung tâm huyện lỵ, Huyện đoàn Lý Sơn vừa trồng hai hàng bàng vuông. Theo anh Đặng Tấn Thành, Bí thư Huyện đoàn Lý Sơn, chỉ chừng 5-6 năm nữa, những cây bàng vạm vỡ sẽ che mát cả con đường này.
Rời Lý Sơn, hành trang chúng tôi mang theo có cả những cây bàng con và những quả bàng vừa mới rụng. Như mang theo mình hồn của đảo…
Ngư dân Lý Sơn chuẩn bị ra khơi.
Cảnh đẹp núi Thới Lới.
Sản vật nổi tiếng nhất ở Lý Sơn là tỏi.
Bàn thờ Chánh đội thủy binh Phạm Hữu Nhật, người mất trong chuyến ra Hoàng Sa năm 1836.
Đồng chí Đặng Hoài Tân, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Bình Định (phải) trao quà lưu niệm cho Ban Chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn.
Phó Bí thư Đoàn khối các cơ quan tỉnh Đoàn Văn Nhơn tặng quà cho Bà mẹ VNAH Trần Thị Phẩm.
NGUYỄN VĂN TRANG