CÔNG TÁC BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ:
Truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ
Bảo tồn di sản văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề thường xuyên được đề cập, quan tâm. Trong đợt giám sát hồi tháng 5.2018, Ban Dân tộc thuộc HÐND tỉnh đã khảo sát, thảo luận và chỉ ra một số vấn đề để đẩy mạnh công tác bảo tồn di sản văn hóa ở 2 huyện An Lão, Vĩnh Thạnh.
Vĩnh Thạnh là địa phương có tỉ lệ đồng bào dân tộc Bana sinh sống chiếm gần như tuyệt đối, đó là điều kiện thuận lợi trong việc giữ gìn, duy trì, trao truyền di sản văn hóa truyền thống. Những năm qua, ở Vĩnh Thạnh, việc giữ gìn các loại nhạc cụ truyền thống (cồng chiêng, đàn tơ rưng, đàn goong, đàn hêhô, đàn tơlía, đàn alal, sáo...), các làn điệu dân ca, dân vũ được quan tâm nhiều hơn. Các làng nghề thủ công truyền thống (đan đát, dệt thổ cẩm, nấu rượu ghè) vẫn duy trì hoạt động.
Ông Đinh Yang King, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh thảo luận, giao lưu cùng nghệ nhân làng M2, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh.
Ông Đinh Kim (Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thạnh), nghệ nhân văn hóa dân gian, bày tỏ: “Nhiều năm qua, chúng tôi phải vận động các cháu thanh niên tập đánh cồng chiêng, thậm chí có nhiều đứa mình phải năn nỉ nữa! Giờ thì bắt đầu có một số cháu yêu thích, biết đánh cồng chiêng và múa xoang. Chưa nhiều đâu, nhưng cứ có thêm một người là quý một người. Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, dẫu khó khăn thế nào chúng tôi vẫn phải cố gắng”.
Ở Vĩnh Thạnh, việc sưu tầm, phục dựng các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống được duy trì thông qua hạt nhân là các CLB cồng chiêng ở các xã, CLB văn hóa dân tộc ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú. Bên cạnh đó, CLB dân ca và nhạc cụ dân tộc Bana và CLB dân ca và nhạc cụ dân tộc H’rê ở huyện An Lão cũng bước đầu hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, để có kết quả bảo tồn toàn diện, các địa phương khác còn phải nỗ lực hơn nhiều. Anh H’Lác, cán bộ văn hóa - xã hội ở UBND xã An Vinh, huyện An Lão, thừa nhận: “Nhiều người trong lớp thanh niên chúng tôi giờ không biết đánh cồng chiêng. Người biết thì cũng chỉ biết đánh vài bài cơ bản”.
Hiện tại, huyện Vĩnh Thạnh đã đầu tư, xây dựng 27 nhà rông tại các làng. So với Vĩnh Thạnh, số nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng ở huyện An Lão quá ít chỉ có 1 nhà rông Bana, tại khu vực có đồng bào H’rê sinh sống, mỗi xã chỉ có 1 nhà văn hóa cộng đồng. Ít là một chuyện, một chuyện nữa là do xây dựng không đúng với cốt cách văn hóa đặc trưng của từng dân tộc, một số đồng bào tỏ ra kém mặn mà khi tham dự các sinh hoạt ở đây. Không chỉ có vậy, hiện nay, vấn đề làm sao để phát huy giá trị hoạt động của các nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng vẫn là câu hỏi lớn.
“Khó khăn trong việc tìm đội ngũ kế cận, các địa phương nên chủ động ghi chép, ghi hình di sản văn hóa truyền thống để lưu lại cho thế hệ sau. Hơn nữa, địa phương nên mở những lớp trao truyền theo kiểu nắm tay chỉ ngón, để truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ” - bà Trần Thị Huyền Trang, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh gợi ý.
Ông Đinh Yang King, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: “Để duy trì được các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vùng dân tộc thiểu số có hiệu quả, mỗi địa phương phải đề xuất kinh phí, kế hoạch hoạt động cụ thể từng giai đoạn rõ ràng lên UBND tỉnh. Cùng với đó là phải chú trọng vào đội ngũ nghệ nhân, đây là nhân tố quan trọng trong việc trao truyền cho thế hệ trẻ”.
THẢO KHUY