Cần có cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên mầm non
Trước khi đăng đàn trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về những nội dung liển quan đến nhóm chất vấn mà dư luận xã hội và cử tri quan tâm trong thời gian qua của ngành giáo dục như: chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông, mầm non và vấn đề đạo đức của giáo viên, học sinh, sinh viên, trong đó đáng chú ý là công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là mầm non ngoài công lập.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn. (Nguồn: Chinhphu.vn)
Bộ trưởng cho biết: thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản về phát triển giáo dục mầm non; phối hợp với các bộ, ngành trung ương trong việc ban hành các quy chuẩn, xây dựng cơ chế chính sách, đảm bảo nguồn lực phát triển giáo dục mầm non; ký kết chương trình phối hợp về phát triển giáo dục mầm non với Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam để khảo sát, đề xuất cơ chế chính sách giải quyết vấn đề trường lớp cho con công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Mạng lưới trường lớp mầm non được củng cố, mở rộng và phân bố đến hầu hết các địa bàn dân cư quận/huyện, xã/phường, thôn/bản; mỗi phường, xã có một trường mầm non công lập trên địa bàn. Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non đa dạng đáp ứng phần lớn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Tính đến tháng 4/2018, có 15.256 trường mầm non (công lập 12.662, ngoài công lập 2.594); tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo là 90,9%; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi là 99,7%.
Bộ trưởng cũng thẳng thắng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của cấp học mầm non, trong đó đáng lưu ý là: mạng lưới trường lớp mầm non ở một số địa phương phân tán, chưa hiệu quả; thiếu trường mầm non ở khu đô thị, khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất; nhiều nhóm lớp thiếu các điều kiện đảm bảo chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Nhiều địa phương còn thiếu giáo viên; Một số giáo viên mầm non còn hạn chế về kỹ năng sư phạm, xử lý tình huống trong chăm sóc, giáo dục trẻ, một số ít thiếu kiềm chế cảm xúc dẫn đến bạo hành trẻ. Đặc biệt vẫn còn 8.653 phòng học tạm, nhiều nơi thiếu phòng học để huy động trẻ đến trường; công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn ở nhiều địa phương còn rất thiếu thốn, xuống cấp nghiêm trọng. Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi chưa đáp ứng theo quy định tối thiểu, đặc biệt ở các điểm lẻ. Tại một vài cơ sở giáo dục mầm non vẫn xảy ra tình trạng mất an toàn đối với trẻ, một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ứng xử đối với trẻ chưa chuẩn mực, cá biệt có một số vụ việc giáo viên mầm non có hành vi bạo hành trẻ. Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (nhóm lớp độc lập tư thục), làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ và gây lo lắng và bức xúc trong dư luận xã hội.
Từ thực trạng trên, một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non mà Bộ trưởng đề xuất là tổ chức rà soát, điều chỉnh chuẩn nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non với các tiêu chí, các mức độ đánh giá phù hợp với thực tiễn theo hướng tiếp cận năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục...Tham mưu Chính phủ ban hành chính sách đặc thù phát triển trường, lớp ở những khu vực có nhiều khu công nghiệp đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân; đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên mầm non; có giải pháp hiệu quả trong giám sát, phát hiện hành vi bạo hành trẻ và những vi phạm trong quản lý các cơ sở giáo dục mầm non (đặc biệt là đối với các nhóm, lớp độc lập tư thục), xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm./.
Sỹ Nguyên (tổng hợp)